Vì sao than thiếu cho nhiệt điện nhưng vẫn xuất khẩu?

Thứ Tư, 19/12/2018, 02:43
Cho dù đang thiếu nguyên liệu than cho nhiệt điện nhưng vẫn xuất khẩu lượng lớn than hàng năm, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) lý giải thế nào về thực trạng này?


Chỉ xuất khẩu than giá trị cao, trong nước không sử dụng?

Ông Đinh Quang Trung- Phó trưởng Ban Kinh doanh than, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, tình trạng thiếu than cho các nhà máy điện là vấn đề đã được lường trước. Hiện, có 2 đơn vị cung cấp nguồn than chính trong nước là TKV (chiếm khoảng 85 - 87%), Tổng Công ty Đông Bắc và một đơn vị của nước ngoài. Với lượng sản xuất 40 - 41 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu lên đến trên 50 triệu tấn cho các nhà máy nhiệt điện, thời gian tới rõ ràng nguy cơ thiếu than là hiện hữu.

Theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, XK than theo hướng giảm dần. Hiện nay, XK than đi đúng hướng giảm dần và cân đối XK các nguồn than trong nước không sử dụng.

Cần phải có cam kết của các nhà máy điện về việc nhận đủ than theo hợp đồng kể cả trong trường hợp giảm phát để TKV có thể chủ động trong sản xuất, đầu tư.

Hiện nay, có một số loại than chất lượng cao cho thép như than cám 1, cám 2, cám 3 chủ yếu XK, cấp cho các hộ sản xuất thép ở Nhật Bản. Theo cam kết mà Chính phủ đã cho phép, đến năm 2025 sẽ ký các thỏa thuận nguyên tắc. Chúng ta hưởng lợi là sẽ được các nguồn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng của Nhật Bản mà không cần bảo lãnh của Chính phủ để cho phát triển mỏ về vấn đề an toàn mỏ cũng như đào tạo cán bộ công nhân cho các hoạt động của ngành. Đây là việc rất hữu ích cho TKV. Nhờ những nguồn vốn tài chính đó, TKV mới có tiềm lực tài chính để phát triển hoặc mở các mỏ mới, lúc đó mới có nguồn than để cấp cho điện”, ông Đinh Quang Trung khẳng định.

Cũng theo ông Đinh Quang Trung, trước đây khi xây dựng kế hoạch về lâu dài, Việt Nam dự kiến duy trì lượng XK khoảng 2 triệu tấn/năm. Năm 2018, Chính phủ cho phép XK 2 triệu tấn nhưng hiện nay, TKV mới XK được khoảng 1,8 triệu tấn. Năm 2019, dự kiến XK khoảng 2 triệu tấn than. TKV đang xin phép Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch XK hàng năm.

“Hiện nay, giá XK than rất cao, cao hơn nhiều so với giá trong nước. Đó cũng là một nguồn lợi cho đất nước. Xét về tổng thể, loại than XK không phù hợp cho sản xuất điện. Việc XNK than là rất là bình thường”, ông Đinh Quang Trung nói.

Thiếu than do kế hoạch của EVN chưa đầy đủ

Trước câu hỏi, tại sao hai Tập đoàn lớn là TKV và EVN đã có những hợp đồng ký kết với nhau về cung ứng than cho điện mà vẫn để xảy ra tình trạng thiếu than, ông Đinh Quang Trung cho rằng: “Kế hoạch là do EVN xây dựng, TKV đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã ký kết với EVN. Theo quy định của hợp đồng có thể cung ứng cộng, trừ trong 10%. Khi nhu cầu than cho điện tăng, chúng tôi phải đáp ứng ở mức tối thiểu là 90%. Hiện, có nhà máy đã đáp ứng 100% như nhiệt điện Quảng Ninh. Cái chính là nhiều nhà máy có nhu cầu lấy thêm than để tồn kho, dự trữ”.

Năm 2019, TKV nêu rõ: Dự kiến kế hoạch tiêu thụ than là 40 triệu tấn, trong đó cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện là 31,90 triệu tấn. Trên cơ sở năng lực sản xuất của TKV theo các giấy phép khai thác than hiện có, TKV xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu (NK) để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than đảm bảo tiêu chuẩn để cung cấp cho các hộ tiêu thụ. “Năm 2019, chúng tôi dự kiến NK khoảng 4 triệu tấn than, chủ yếu là than pha trộn cho điện. NK phục vụ điện là chính”, ông Đinh Quang Trung nói.

Xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Hoàng Trung- Phó Tổng Giám đốc TKV thông tin rõ hơn: TKV đối mặt không ít khó khăn khi thực hiện kế hoạch năm 2019, nhất là trong NK, pha trộn. Cụ thể, nhu cầu than cho sản xuất điện thời gian qua biến động rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào việc huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than. Ví dụ, năm 2017, TKV cung cấp 23,6 triệu tấn than cho điện; năm 2018, than cho điện dự kiến trên 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn. Trong trường hợp giảm huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than, lượng than tiêu thụ sẽ giảm rất mạnh.

“Do vậy, cần phải có cam kết của các nhà máy điện về việc nhận đủ than theo hợp đồng kể cả trong trường hợp giảm phát để TKV có thể chủ động trong sản xuất, đầu tư. Bên cạnh đó, cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than NK với than trong nước sản xuất để TKV và Tổng Công ty Đông Bắc chủ động tính toán phương án NK đảm bảo nhu cầu cho các nhà máy điện ngay từ đầu năm 2019”, ông Nguyễn Hoàng Trung nói.

Về giải pháp đảm bảo cung ứng than dài lâu cho điện trong tương lai, ông Đinh Quang Trung cho biết thêm: TKV đã ký kết các hợp đồng cung cấp than dài hạn đối với các Tập đoàn kinh tế lớn như EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các nhà máy khác có nhu cầu sử dụng nguồn than trong nước, cân đối trên cơ sở năng lực sản xuất của TKV. 

Trong trường hợp các hộ sử dụng có nhu cầu cao hơn năng lực của TKV, TKV sẽ NK để bù cho lượng thiếu hụt đó theo giá thị trường thế giới. Việc EVN hay PVN chủ động NK than được Chính phủ cho phép không có vấn đề gì, tùy thuộc vào hoạt động của doanh nghiệp. Điều này đang dần hình thành thị trường than cho điện tại Việt Nam.

“Về lâu dài, phải đầu tư mở rộng mỏ, nâng cao năng suất để đảm bảo nguồn than trong nước; hợp tác với các nhà sản xuất khác, đầu tư các mỏ than nước ngoài để chủ động nguồn than NK. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc... cho thấy, muốn có nguồn than lâu dài thì phải tham gia đầu tư mỏ. Họ sẽ được chia một tỷ lệ nhất định trên cơ sở đóng góp tại các mỏ than”, ông Đinh Quang Trung nói.

Xung quanh vấn đề này, theo ông Đinh Quang Trung: TKV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường và các bộ, ngành đẩy mạnh việc cấp phép mới cho các mỏ than, chỉ đạo Bộ Tài chính về giá bán than cho điện, cho phép TKV được để lợi nhuận sau thuế để đối ứng vốn. Với Bộ Công Thương, TKV đề nghị xem xét kế hoạch huy động điện cho phù hợp với thực tế, tránh huy động quá cao.

Lưu Hiệp
.
.
.