Vì sao hàng trăm doanh nghiệp sau cổ phần hóa trốn lên sàn?

Thứ Hai, 08/04/2019, 09:21
Mặc dù đã bị bêu tên, bị xử phạt, nhưng nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa vẫn chưa chịu đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Đây là vấn đề nóng được báo chí chất vấn Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Phạm Hồng Sơn tại buổi họp báo định kỳ quý I/2019 của Bộ Tài chính mới đây.


Mạnh tay xử phạt

Theo danh sách mà Bộ Tài chính thống kê và công khai từ cuối năm 2018, thì có tới 667 DNNN đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán tính đến hết ngày 15-11-2018. 

Các DN bị “bêu tên” chủ yếu là các công ty con của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trực thuộc các bộ, ngành (tổng cộng 295 DN), và các DN thuộc quyền quản lý của các UBND cấp tỉnh (tổng cộng 372 DN). 

Cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Ảnh: CTV.

Có thể điểm danh một số DN chây ỳ lên sàn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Bộ Công Thương) có 5 công ty là Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Thừa Thiên - Huế, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Petrolimex Đà Nẵng, Ngân hàng Thương mại CP Xăng dầu Petrolimex, Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex, Công ty CP Tư vấn xây dựng Petrolimex... 

Cũng tại Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có tới 16 công ty con như: Công ty CP Đại lý hàng hải, Công ty CP Than Miền Nam, Công ty CP Kinh doanh than Cẩm Phả… cũng bị liệt vào danh sách nói trên. 

Ngoài ra, hàng loạt cái tên “cộm cán” khác như Công ty CP Vật tư và XNK Hóa chất (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), 14 công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 5 công ty thuộc TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, 8 công ty thuộc TCT Thép Việt Nam, 7 công ty thuộc TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam, 11 công ty thuộc TCT Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị; 12 công ty thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 11 công ty và TCT thuộc SCIC; 13 công ty thuộc TCT Phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội...

Lý giải cho việc chậm lên sàn của mình, lý do phổ biến nhất các DN này đưa ra là không đủ số lượng cổ đông cần thiết hoặc/và không đủ vốn điều lệ cần thiết để trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. 

Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể kể đến như: đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán cổ phần hóa, đang tiến hành bàn giao cho SCIC, đang hoàn thiện hồ sơ lưu ký chứng khoán, đang hoàn tất thủ tục lên sàn… Cá biệt có trường hợp cho rằng việc niêm yết chưa mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông và công ty. 

Theo nhận định của đại diện Bộ Tài chính, việc nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các DN này.

Tại buổi họp báo của Bộ Tài chính chiều 5-4, trả lời chất vấn báo chí, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, cùng với việc công khai danh sách các DN chậm lên sàn, UBCKNN đã có nhiều văn bản để nhắc nhở các DN tuân thủ quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. “UBCKNN đã thành lập các tổ công tác đến các DN để tìm hiểu lý do vì sao chậm lên sàn và đã tiến hành xử phạt với mức cao nhất là 350 triệu đồng với việc không thực hiện lên sàn” - ông Phạm Hồng Sơn cho biết.

Cụ thể, mới đây nhất, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và trang trí nội thất TP Hồ Chí Minh (số 215-217 Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh) bị UBCKNN phạt 350 triệu đồng vì không đăng ký giao dịch chứng khoán. 

Cũng với lỗi tương tự, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 -  CTCP chịu phạt 350 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị này còn bị phạt 100 triệu đồng do không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật đối với một số tài liệu khác. Trước đó, trong tháng 1-2019, với lỗi đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn theo quy định, UBCKNN cũng đã xử phạt Công ty cổ phần 28 Đà Nẵng, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Phú Thọ…

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trước thực trạng nhiều DN chậm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, cơ quan này đã báo cáo Chính phủ với các trường hợp chậm trễ lên sàn và yêu cầu các cơ quan chủ quản, các công ty đưa các DN lên sàn trong thời gian sớm nhất. 

Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt vì chậm hoặc trốn lên sàn.

Trên cơ sở tham mưu của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/2019/CT-TTg về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DNNN và DN có vốn Nhà nước. 

Trong đó, yêu cầu các DN đã cổ phần hóa nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn... 

“Tới đây, Cục Tài chính DN sẽ phối hợp với UBCKNN rà soát, tính toán xem cùng với xử phạt các DN chậm đưa cổ phiếu lên sàn có đồng thời công khai luôn trách nhiệm của lãnh đạo DN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN hay không. Nếu đủ điều kiện, thì ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ công khai trách nhiệm cá nhân để xảy ra việc chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn trên trang thông tin điện tử của Bộ”- ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết.

Hà An
.
.
.