Vì sao doanh nghiệp khó vay vốn?

Thứ Hai, 14/10/2019, 02:08
Đây là bài toán không dễ giải của chính doanh nghiệp (DN) cũng như ngành ngân hàng (NH). Nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức, nhưng để có thể “gặp nhau”, sự cố gắng từ một phía sẽ là chưa đủ.

Tại anh, tại ả…

Khởi nghiệp từ hơn 2 tỷ đồng vốn trong ngành xây dựng, anh Nguyễn Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty Việt Anh cho biết, đã hơn 1 năm nay, công ty phải hoạt động cầm chừng, cố giật gấu vá vai để đủ tiền trả lương cho nhân viên mà không thể mở rộng sản xuất kinh doanh được. 

Nhiều lần, Ban Giám đốc cũng lên kế hoạch vay vốn ngân hàng để mở rộng hoạt động, nhưng dù đã gõ cửa mấy ngân hàng, công ty cũng chưa đủ điều kiện vay vốn. “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tài sản thế chấp. Công ty mới thành lập, thương hiệu chưa được đảm bảo nên khó vay tín chấp, anh Hoàng than thở.

Mới khởi nghiệp, dĩ nhiên lịch sử quan hệ tín dụng chưa có, DN khó là phải, song với Công ty Kim Chính, sản xuất, kinh doanh, chế biến và phân phối nông sản, vay vốn cũng không hề dễ. Là DN cũng thuộc diện “có sừng có mỏ”, doanh thu hàng năm lên tới nhiều trăm tỷ đồng, có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Malaysia… song “chúng tôi kinh doanh buộc phải vay vốn NH, nhưng quả thực, hành trình tìm vốn cũng gian nan lắm, và khó khăn luôn là câu chuyện muôn thuở”, đại diện Công ty Kim Chính chia sẻ.

Đây chỉ là vài ví dụ trong hàng trăm nghìn DN nhỏ và vừa (DNNVV) khó tiếp cận vốn NH. Theo số liệu thống kê, dù chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, DNNVV đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm, nhưng  hiện nay mới chỉ có khoảng 22% DNNVV tiếp cận được với tín dụng từ các nhà băng. 

Ông nguyễn Hữu Đoan - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương chỉ ra 5 khó khăn khiến DN khó tiếp cận vốn NH, trong đó đầu bảng vẫn là về tài sản bảo đảm, rồi lãi suất cao, các thủ tục, điều kiện cho vay khó khăn mà nhiều DNNVV không thể đáp ứng nổi, chưa kể những vấn đề nội tại của DN là thiếu minh bạch, quản trị yếu kém… 

Trong khi từ phía các NH cũng đưa ra những tồn tại hạn chế của một số các DN như: trình độ quản lý của các DNNVV chưa đồng bộ, công nghệ chưa tiên tiến; trình độ lao động chưa bắt kịp được nền công nghệ 4.0; thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế; nhiều DNNVV thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi; sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo vị thế thương hiệu trên thị trường; chủ yếu thanh toán tiền mặt nên ngân hàng khó kiểm soát dòng tiền. 

Đặc biệt, DNNVV thường chưa có thói quen mua bảo hiểm rủi ro cho các tài sản, thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, sản phẩm – dịch vụ và các gói của các định chế tài chính, các chương trình bảo lãnh, hỗ trợ của Chính phủ, Hiệp hội…

Tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi cho vay DN.

Ngân hàng tìm doanh nghiệp

Thừa nhận những khó khăn của các DN là phổ biến, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, NHNN xác định DNNVV là một trong năm lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực này thấp hơn từ 1-1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác. 

Để đồng vốn lan toả rộng hơn, đi sâu vào nền kinh tế, song song với các chương trình tín dụng thương mại, NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ DN tiếp cận vốn trong một số ngành/lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao… 

Đồng thời yêu cầu các TCTD đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ NH điện tử hiện đại, góp phần gia tăng tiện ích và tạo thuận lợi cho khách hàng. Để các NH chủ động, mạnh dạn cho vay hơn, NHNN đã hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với DN, người dân theo quy định của Luật các TCTD. 

Ngoài ra, NHNN phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế hỗ trợ DNNVV, tích cực triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV; phối hợp chính quyền địa phương nhận diện những khó khăn, vướng mắc của DN để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

“Nếu như trước đây, DN phải tìm đến NH, thì bây giờ, chính NH đang chủ động tìm đến DN để chào mời vay vốn”, ông Tú cho biết.

Hà An
.
.
.