Vì sao 70% doanh nghiệp không muốn tham gia hiệp hội?

Thứ Năm, 12/03/2015, 11:05
Hiện cả nước có trên 300 hiệp hội doanh nghiệp. Với 96% doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hiệp hội đóng một vai trò quan trọng khi mà sức ép đến từ hội nhập ngày càng lớn. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao được sức mạnh và vai trò của các hiệp hội, đặc biệt là trong bối cảnh có tới 70% DN không muốn tham gia hiệp hội như kết quả khảo sát mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đưa ra đang là một thách thức không nhỏ.

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký VCCI, trong thời gian qua, số hiệp hội được thành lập đã tăng lên đáng kể ở cả Trung ương và địa phương. Nhiều DN đã thấy cần có sự hỗ trợ của hiệp hội, thấy được vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hiệp hội, ở một chừng mực nhất định họ thấy được vai trò là đầu mối để xúc tiến thương mại, chắp mối bạn hàng, kết nối thông tin, hướng dẫn bán hàng và tập huấn cho DN.

Tuy vậy, con số 70% DN không muốn tham gia hiệp hội cũng nói lên nhiều điều. Thứ nhất, bản thân các DN cảm thấy không thật sự cần thiết vai trò của hiệp hội đã phản ánh việc hội chưa làm tốt vai trò đại diện của mình.

Thứ hai, các DN chưa nhận thức được hiệp hội là công cụ, là tổ chức để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.

Thứ ba, các DN chỉ nhìn ở ngắn hạn, là hiệp hội có giới thiệu cho mình bạn hàng không, hiệp hội giúp gì, chứ không nhìn được vai trò lớn hơn là thông qua hiệp hội để bảo vệ môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, bảo vệ cạnh tranh, đồng thời trong phương diện hội nhập kinh tế quốc tế, hội sẽ là đầu mối để xúc tiến mậu dịch.

Cũng theo chia sẻ của TS. Trần Hữu Huỳnh, pháp luật của nhiều nước quy định quyền thành lập hội là quyền tự do của DN. Bản thân việc thành lập hội cũng là một quá trình cạnh tranh để giành hội viên, quay trở lại để phục vụ hội viên. Vì tính chất gay gắt như vậy nên chỉ hiệp hội nào thể hiện được tiếng nói của hội viên, của DN thì hiệp hội đó mới tồn tại, có cơ hội phát triển.

Còn ở nước ta, do quy định pháp luật hiện hành nên trong lĩnh vực nào đó, ở một địa phương chỉ được thành lập một hội đại diện cho cộng đồng DN ở đó. Trong hiệp hội thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính thu hút hội viên, chiến đấu để giành hội viên, đặc biệt là tính phản biện chưa cao nên hầu hết các hiệp hội của chúng ta đều còn nhiều hạn chế trong hoạt động.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cũng đã chỉ ra một số bất cập dẫn đến hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chưa cao, đó chính là việc nhiều cơ quan Nhà nước hiện đang làm thay vai trò của hiệp hội.

Theo TS. Cung, hiện nay đang là thời điểm bước ngoặt của cải cách kinh tế. Do đó, các bộ, ngành cần phải có sự tách bạch trong việc làm chính sách với thực hiện chính sách, điều tiết thị trường. Chính quyền địa phương cũng phải có sự thay đổi trong việc hướng đến cung cấp dịch vụ công phục vụ lợi ích xã hội...  Làm như vậy sẽ tạo dư địa cho hiệp hội vận hành tốt hơn, không có sự cạnh tranh giữa Nhà nước và hiệp hội, tránh tình trạng hiệp hội là cánh tay kéo dài của Nhà nước.

“Một nghịch lý hiện nay là càng kêu gọi tinh giản biên chế nhưng bộ máy hành chính của Nhà nước ngày càng phình to. Thế nhưng, việc họ thích làm lại là những việc có liên quan đến tiền như xúc tiến thương mại, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp… Trong khi đây là những việc nên giao cho hiệp hội, tổ chức xã hội làm, quản lý”, ông Cung cho biết.

Tuy vậy, TS Cung cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, các hiệp hội cũng cần phải xác định lại vai trò của mình, đó không chỉ là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên mà còn phải biết tổ chức công tác xúc tiến mậu dịch, phát triển ngành hàng thành trung tâm trong chuỗi giá trị gia tăng, biến nó thành công nghiệp phụ trợ hoặc công nghiệp chủ đạo ở trong nước và cả trong liên kết quốc tế.

H.Thanh
.
.
.