Vẫn còn nhiều chồng chéo và bất cập trong kiểm tra chuyên ngành

Thứ Tư, 16/09/2020, 18:09
Trong năm 2020 do tác động của dịch COVID-19 nên việc triển khai thực hiện cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) có phần chậm lại và ít được quan tâm chú ý. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề được các chuyên gia đưa ra thảo luận tại hội thảo “Thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Vấn đề và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án GIZ tổ chức ngày 16/9 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cho biết, số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm được 22.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN) từ 100.000 (năm 2015) xuống còn 78.000. Tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan chỉ còn 19,4%, so với mức 30-35% trước đây.

Theo bà Thảo, trong gần 2 năm, số lượng văn bản về quản lý, KTCN đã tăng lên hơn 120 văn bản, điều đó đã gây khó khăn, lúng túng cho cả doanh nghiệp (DN) và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng. Trong khi đó, chất lượng văn bản còn chưa cao, thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, thậm chí có quy định ở văn bản mới còn mâu thuẫn và trái ngược với quy định của pháp luật hiện hành. Nhiều lĩnh vực chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc “quản lý rủi ro” trên cơ sở mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

trong thời gian tới tiếp tục coi trọng cải cách, đơn giản hoá, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục;

Theo đó, CIEM đã nghiên cứu và phát hiện 12 nhóm bất cập. Các bất cập này đã nêu nhiều lần nhưng chuyển biến chậm, dẫn tới nhiều rủi ro cho DN như chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính do chậm thông quan, lỡ cơ hội kinh doanh của DN. Đồng thời, chưa cắt giảm chi phí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về cắt giảm chi phí cho DN. Đơn cử như phí kiểm dịch thú y và vấn đề lấy mẫu kiểm nghiệm.

 Theo phản ánh của cộng đồng DN, Bộ NN&PTNT luôn là nơi lấy số lượng mẫu nhiều nhất, số lượng/ khối lượng mẫu quá lớn, kết quả chỉ có 1 thử nghiệm nhưng tính phí theo số lượng mẫu, 5 mẫu thì tính phí tương tự như 5 thử nghiệm; chi phí kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu, kiểm tra chất lượng; phí kiểm tra chất lượng chăn nuôi.

Hay bất cập về danh mục mặt hàng quản lý, KTCN bởi đối tượng rộng ( 78.000 mặt hàng); có mặt hàng chưa đầy đủ mã HS hoặc chưa đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Nói về sự chồng chéo, bà Thảo dẫn chứng, hiện có khoảng 25 nhóm sản phẩm, hàng hoá tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số và tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể còn chồng chéo trong thực hiện thủ tục quản lý, KTCN. 

Đặc biệt, “kiểm tra nhà nước về an toàn lao động thực hiện trước thông quan, đây là quy định phi lý, được phản ánh nhiều lần, song chưa có động thái sửa đổi nào từ Bộ LĐTB&XH. Trong khi đó, quy định về kiểm tra hiệu suất năng lượng tạo thêm nhiều gánh nặng chi phí và thời gian bất hợp lý cho DN. Đây là vấn đề được phản ánh nhiều lần nhưng chưa được bộ ngành nào quan tâm,” bà Thảo nhấn mạnh.

Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đã nêu lên những bất cập trong quy định về mã số mã vạch tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và có kiến nghị đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá và dự thảo thông tư ghi nhãn điện tử.

Theo đại diện CIEM, trong thời gian tới tiếp tục coi trọng cải cách, đơn giản hoá, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục; tiếp tục thực hiện cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành phù hợp với thông lệ quốc tế tốt và yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do. 

CIEM kiến nghị, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng chỉ đạo sát sao việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết liên quan tới cải cách quản lý, KTCN. Đặc biệt, cần tăng cường đối thoại với DN, giải quyết triệt để các vấn đề và khuyến khích cộng đồng DN chia sẻ và tham gia thảo luận chính sách…


Lưu Hiệp
.
.
.