Những rào cản chính của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp

Chủ Nhật, 04/12/2016, 08:33
Tính đến năm 2015 chỉ có hơn 3.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đặc biệt, trên 90% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và “siêu nhỏ”. Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là vướng mắc về chính sách đất đai và tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Giao khẳng định, cho đến nay, ngành nông nghiệp hầu như là ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị “tinh” nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất. Chưa kể, các chính sách hiện nay còn nhiều bất cập: Muốn chuyển đổi 10ha đất lúa là phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, song nếu lấy hàng chục ha đất trồng rau quả để làm Khu công nghiệp thì lại dễ như trở bàn tay, nhiều khi khiến doanh nghiệp xoay không kịp.

Do đó, cần quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến và không bị giới hạn bởi địa giới từng địa phương. Bên cạnh đó, phải có chính sách phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Hiện tại, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu rất lớn hạt giống, máy móc nông nghiệp… dù trong nước có nhiều nhà khoa học giỏi. Ngoài ra, lãi suất cho vay với lĩnh vực nông nghiệp cũng chỉ nên ở mức 5%/năm.

Cần một chính sách đột phá sát thực tiễn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: minh hoạ.

Trong khi đó, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết, những năm gần đây, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đưa ra rất nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, song lại thiếu chính sách khuyến khích với các doanh nghiệp dẫn đầu. Nhất là những doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ cao, theo chuỗi giá trị. Do đó, bà Thái Hương kiến nghị Bộ NN&PTNT cần lựa chọn các nhóm ngành hàng chủ lực và có chính sách ưu đãi riêng cho doanh nghiệp dẫn đầu, các doanh nghiệp đầu tư lớn vào nông nghiệp.

Theo bà Thái Hương, khi đầu tư xây dựng nhà máy sữa tại Nga, bà nhận thấy thị trường có sự mập mờ giữa sữa tươi và sữa bột pha nước (sữa hoàn nguyên) và ngay lập tức viết “tâm thư” kiến nghị và đến nay, TH đã nhận được câu trả lời: “Với sản phẩm sữa loại đặc biệt, doanh nghiệp sẽ được giảm thuế 3 rúp, với sữa loại 2, sẽ được giảm 2 rúp.

Với một số loại máy móc nhập khẩu công nghệ cao, Chính phủ Nga cũng giảm thuế đến 50%. Từ đầu năm đến nay, TH đầu tư 100 triệu USD vào thị trường Nga thì đến giờ đã được trả lại 25 triệu USD các khoản ưu đãi”. Trong khi đó, trong nước, mặc dù bỏ rất nhiều vốn đầu tư dự án nhà máy, trang trại bò sữa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại nhất khu vực, song đến nay, bà vẫn chưa hề được nhận một đồng vốn ưu đãi nào. “Chúng tôi được khen ngợi nhiều, nhưng chính sách ưu đãi chưa hề được hưởng”, Chủ tịch TH, bà  Thái Hương nói.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARP) cho biết, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam hỗ trợ nông nghiệp chỉ chiếm 7% (chủ yếu qua khuyến nông, giảm một số loại phí), trong khi một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, mức hỗ trợ lên tới 55-60%.

Một khảo sát nhanh của IPSARP cho biết, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện nay gặp rất nhiều vướng mắc về thị trường, đất đai, tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ… Ông Tuấn dẫn chứng, về đất đai có đến 63% DN kêu khó khăn, 46% kêu rất khó khăn; về tín dụng, có đến 70% DN kêu khó khăn khi tiếp cận. Các lĩnh vực khác như bảo hiểm cũng có đến 82,5% DN chưa tiếp cận được; KHCN thì có 77% DN kêu là khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách.

Đại diện Tập đoàn GFS cũng cho biết, đất đai đang là rào cản khiến các DN chưa mặn mà tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Trên thực tế đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, nông dân không có quyền bán mà chỉ có cho thuê hoặc liên kết, như vậy những điều kiện để tích tụ đất ruộng rất khó.

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng lớn đã được thực hiện nhưng hầu như chỉ ở quy mô nhỏ và mô hình điểm do đó chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp cũng như người dân thực hiện.

Muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế chính sách đủ mạnh tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Khẳng định tại diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tổ chức ngày 3-12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cam kết, sắp tới, Chính phủ sẽ có chính sách đột phá và sát thực tiễn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Chính phủ rất mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản, hình thành các chuỗi giá trị.

Phan Đức
.
.
.