Tích cực tìm kiếm các khoản vốn vay không bảo lãnh cho đầu tư lưới điện

Thứ Năm, 14/12/2017, 15:18
Theo tính toán, mỗi năm ngành Điện phải đầu tư khoảng 800 triệu USD cho hạ tầng lưới điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ phải nỗ lực tự tìm kiếm các khoản vay thương mại, khi Chính phủ đã giảm tối đa bảo lãnh và các nguồn vốn vay ODA ưu đãi cũng giảm dần. 


Theo lãnh đạo EVNNPT, 4 - 5 năm tới đây, đơn vị dự tính sẽ phải vay khoảng 60 - 70% nước ngoài, phần còn lại sẽ cố gắng tìm cách huy động từ nguồn trong nước để phục vụ nhu cầu đầu tư các dự án truyền tải điện. Các nguồn vốn vay đã giúp cải thiện đáng kể hạ tầng hệ thống truyền tải điện. 

Đến cuối năm 2016, EVNNPT đã quản lý 7.439,3 km đường dây 500 kV (tăng 3,5% so với năm 2015); 15.468,3 km đường dây 220 kV (tăng 2,6% so với năm 2015); 126 TBA (tăng 9 trạm so với 2015); dung lượng máy biến áp 500 kV là 26.100 MVA, tăng 13,7% so với 2015... Điều này đã giúp hệ thống điện vận hành an toàn hơn, trong bối cảnh nguồn điện phát triển không đồng đều (vẫn thiếu điện ở khu vực phía Nam và phải truyền tải một lượng lớn từ miền Bắc vào).

Cho tới thời điểm này, ngành Điện đã sử dụng một nguồn tín dụng ưu đãi khá lớn từ các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)... với lãi suất rất ưu đãi, thời hạn trả nợ khá dài. 

Tuy nhiên, hiện nguồn vốn này đang ngày càng ít đi. Theo lãnh đạo EVNNPT, do không còn nguồn bảo lãnh Chính phủ cũng như nguồn ODA, nên đơn vị đã rất nỗ lực làm việc với các tổ chức như WB, AFD... để tiếp tục có được những khoản vay mới không có bảo lãnh Chính phủ.

PV
.
.
.