Chuyện người quản lý

Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp FDI để phát triển

Thứ Năm, 22/10/2015, 09:40
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), hiện trong tổng số hơn 19.200 dự án FDI còn hiệu lực thì có 10.344 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 152 tỷ USD, chiếm 56% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước.

Cơ cấu đầu tư như trên là đúng hướng và có tác động tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Tuy nhiên, việc thu hút vốn ĐTNN có hiệu quả không, nền kinh tế có thể hấp thu được các công nghệ, vốn nước ngoài mang vào hay không phụ thuộc lớn vào việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp tạo ra giá trị gia tăng trong nội tại nền kinh tế. Nếu không, dù có đầu tư nước ngoài nhiều thì giá trị gia tăng của Việt Nam là hạn chế. Đồng thời, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao không chỉ nhằm giải quyết mục tiêu về vốn cho đầu tư phát triển mà quan trọng hơn là cung cấp công nghệ tiên tiến, sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng và hàm lượng kỹ thuật cao.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản diễn ra mới đây tại Hà Nội, đại diện của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, hiện nay, DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tỷ lệ nội địa hoá rất thấp, chỉ đạt khoảng 33%, trong khi Thái Lan là 55% và Indonesia là 43%. Để công nghiệp Việt Nam phát triển hơn nữa, trở thành nước sản xuất, cung cấp phụ tùng cho nước ngoài thì trước hết phải phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho mối liên kết giữa các DN FDI và DN nội địa còn lỏng lẻo là do các DN FDI còn hạn chế trong việc sử dụng các sản phẩm nội địa. Mặt khác, các DN trong nước cũng còn khá dè dặt trong việc tiếp cận với các DN FDI, chỉ coi các DN FDI như đối tác cạnh tranh chứ chưa chủ động tìm kiếm các cơ hội liên kết từ các doanh nghiệp FDI.

Trong khi đó, tỷ lệ nội địa của các sản phẩm trung gian, của ngành hỗ trợ trong các dự án FDI rất thấp (trong ngành ôtô chiếm khoảng 25%). Ngành xe máy tỷ lệ nội địa khá cao nhưng đó là nhờ các công ty FDI tự sản xuất hoặc kêu gọi các DN nhỏ và vừa từ Nhật và các nước khác đến đầu tư thay vì liên kết với DN tại Việt Nam.

Như, năm 2008, tỷ lệ nội địa hóa của Honda Vietnam đạt trên 90% nhưng trong 82 doanh nghiệp cung cấp linh kiện cho họ chỉ có 20 công ty có vốn Việt Nam. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư lớn của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên cũng đang và sẽ lôi kéo hàng trăm công ty nhỏ và vừa của Hàn Quốc sang để sản xuất linh kiện và các sản phẩm hỗ trợ khác (hiện nay họ nhập khẩu từ các cơ sở của Samsung tại Trung Quốc)….

Trước làn sóng đầu tư của DN FDI vào Việt Nam trong thời gian qua cho thấy khuynh hướng này giúp phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nhưng cũng cho thấy sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam bị lu mờ.

Muốn liên kết thì DN Việt Nam phải cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ chất lượng và với giá cả cạnh tranh được. Do vậy, vấn đề đặt ra với Việt Nam hiện nay là nâng cao chất lượng dòng vốn FDI và tăng cường các mối liên kết FDI với DN nội địa nhằm tạo ra giá trị nội tại để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Có như vậy Việt Nam mới có thể rút ngắn được khoảng cách tụt hậu so với các nước và tránh được bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia gặp phải.

Phan Đức
.
.
.