Thêm ưu đãi cho người lao động khi tham gia mua cổ phiếu

Thứ Bảy, 18/03/2017, 09:36
Chiều 16-3, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về dự thảo Nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần.

Buổi họp báo gây được chú ý, trong bối cảnh trường hợp cổ phần hóa Điện Quang và tỷ lệ sở hữu của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại DN này vẫn chưa ngã ngũ và chính sách về cổ phần hóa DNNN được cho là còn bất cập.

Theo ông Nguyễn Duy Long, Tổ trưởng Tổ Biên tập: Nghị định mới có 6 điểm nổi bật tiến bộ hơn. Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho DN, nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm, dẫn tới quyền lợi bị hạn chế so với nghĩa vụ. Dự thảo Nghị định mới đã rút khoảng thời gian này xuống 3 năm.

Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo hình thức thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng lần đầu (IPO) cũng sẽ chấm dứt để tránh thất thoát vốn Nhà nước. Thay vào đó, nhà đầu tư chiến lược sẽ được mua cổ phần với giá IPO thành công thấp nhất. Dự thảo Nghị định mới cũng quy định rõ, tiêu chuẩn của nhà đầu tư chiến lược, trách nhiệm bồi thường của nhà đầu tư chiến lược khi vi phạm các cam kết.

Sabeco là một trong những cái tên được quan tâm hàng đầu sẽ CPH trong thời gian tới.

Liên quan đến xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN cổ phần hoá (CPH) – lĩnh vực được coi là gây thất thoát hàng đầu trong CPH DNNN giai đoạn vừa qua, khi việc xác định giá trị đất thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực, ông Long cho biết: Dự thảo đã bổ sung việc DN phải xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi CPH.

Ngoài phần đất phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng; phù hợp với quy hoạch, những phần còn lại có thể bị thu hồi. Quy định này, theo Bộ Tài chính, sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng DN lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý, mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương. Nếu là đất giao (chỉ áp dụng khi DN sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê) thì đều phải xác định lại giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN là giá sát với giá thị trường.

Nếu là đất thuê thì hàng năm phải xác định lại giá sát với giá thị trường và nộp tiền thuê đất như các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Trường hợp công ty cổ phần được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phải thực hiện đấu giá và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng.

Một chính sách gây chú ý khác là bán cổ phần cho người lao động trong DN CPH, Bộ Tài chính đã điều chỉnh theo hướng người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của DN tại thời điểm xác định giá trị DN CPH (bao gồm cả người lao động tại các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ - DN cấp II - chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các DN khác) được mua tối đa 100 cổ phần/năm làm việc tại khu vực nhà nước, với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần).

Trả lời lý do điều chỉnh này, gắn với câu hỏi của PV về việc lãnh đạo DN có được mua CP ưu đãi hay không để tránh trường hợp như Thứ trưởng Thoa ở Điện Quang, ông Nguyễn Duy Long cho biết: Từ khi bắt đầu thí điểm CPH DNNN từ năm 1992 đến nay, lãnh đạo DN và người lao động đều có quyền mua cổ phần ưu đãi như nhau; lãnh đạo DNNN và những người có đóng góp lớn cho DN được ưu đãi mua thêm cổ phần, nhưng bằng với giá IPO, chứ không được giá ưu đãi.

Về giá ưu đãi cho người lao động, trước đây quy định là 60% giá bán thành công thấp nhất của IPO, nhưng có trường hợp “ưu đãi” thành “ngược đãi” như trường hợp Vietcombank, khi đấu giá cổ phiếu tăng tên 10 lần, tức là người lao động phải bỏ ra số tiền gấp 6 lần mới mua được CP ưu đãi nên dự thảo mới cho phép mua 60% mệnh giá cơ bản.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nên tách bạch chuyện hỗ trợ người lao động tại DN với CPH, vì việc hỗ trợ mua cổ phiếu với giá ưu đãi đã bộc lộ tồn tại khi nhiều người có tiền, có quyền trong DN đã tranh thủ mua gom số CP đó với giá rẻ (dù đã có yêu cầu cấm chuyển nhượng trong 3 năm), cuối cùng, chính người lao động không được hưởng lợi gì từ quy định này.

Đang kiểm tra, kiểm toán việc tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 – 2015

Trả lời câu hỏi của PV về việc thanh, kiểm tra và phát hiện những tiêu cực trong CPH DNNN gây thất thoát tài sản thời gian vừa qua, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, hiện Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành kiểm tra, kiểm toán, thanh tra việc tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 – 2015, trong đó có CPH, nên Bộ Tài chính không lập đoàn kiểm tra để tránh trùng lặp. 

“Cơ quan quản lý Nhà nước chúng tôi chỉ giám sát, cảnh báo, còn trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu là các bộ chủ quản phải giám sát việc đó. Lỗ hổng ở đâu, sai phạm ở đâu thì tới đây Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ chỉ ra sẽ khách quan hơn, đủ thẩm quyền hơn”.

Nam Phương
.
.
.