Xung quanh việc thoái vốn ở Công ty CP Du lịch Đồ Sơn: Thay người đại diện vốn Nhà nước

Chủ Nhật, 12/07/2015, 11:00
Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ đã đi được một chặng đường. Trong số khoảng 1.000 doanh nghiệp mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiếp nhận thì đã có khoảng 800 doanh nghiệp đã được thoái vốn. Công ty cổ phần Du lịch Đồ Sơn (tại Hải Phòng) cũng nằm trong diện thoái vốn đợt này. Tuy nhiên, tại doanh nghiệp hiện đang có một số vấn đề bất ổn do thiếu sự thống nhất, đồng lòng giữa các cổ đông, ảnh hưởng đến môi trường hoạt động kinh doanh chung.

Đơn tố cáo cử người đại diện sai quy định

Trong lá đơn gửi tới Báo CAND, ông Ngô Quang Lâm, đại diện một số cổ đông của Công ty cổ phần Du lịch Đồ Sơn (CPDL Đồ Sơn) phản ánh: Ngày 19/5/2014, Công ty CPDL Đồ Sơn tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) nhiệm kỳ II (2014-2019). 

Một trong những địa điểm kinh doanh của Công ty CP Du lịch Đồ Sơn.

Tại đại hội này đã bầu các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), cử người đại diện phần vốn Nhà nước… Có một người không đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần của công ty, không là đảng viên nhưng lại được bầu vào thành viên HĐQT và giữ chức danh Phó chủ tịch HĐQT, đó là ông Hà Kim Long.

Về thời gian đề cử ông Hà Kim Long tại đại hội, theo ông Lâm cũng là “có vấn đề” khi bà Đinh Thị Bích Diệp - người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Trưởng Ban Đầu tư 1, Tổng Công ty SCIC thông báo và đề cử ông Long làm thành viên HĐQT và cũng là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty CPDL Đồ Sơn vào thời điểm bất ngờ khi đại hội đã diễn ra được 2 tiếng.

Theo đơn phản ánh, việc giới thiệu ông Hà Kim Long vào HĐQT và đại diện vốn Nhà nước tại Công ty CPDL Đồ Sơn là không đủ tiêu chuẩn, trái với quy định, khiến một số cổ đông khác lo lắng, e ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của doanh nghiệp, thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, ngân sách Nhà nước và thu nhập của người lao động. Ông Lâm khẳng định: “Chúng tôi là những nhà đầu tư, sáng lập Công ty CPDL Đồ Sơn từ năm 2005 đến nay, mong muốn của chúng tôi là tiếp tục được đầu tư vào Công ty CPDL Đồ Sơn theo chủ trương của Nhà nước”.

Không đồng ý với kết quả ĐHCĐ, một nhóm cổ đông do ông Lâm đại diện đã gửi đơn đến Tổng Công ty SCIC. Ngay sau đó, Tổng Công ty SCIC đã trả lời đơn bằng Văn bản số 1336 ngày 18/5/2015 với nội dung khẳng định việc bổ nhiệm cán bộ và cử người đại diện vốn Nhà nước đối với ông Hà Kim Long là đúng pháp luật. Tuy nhiên, các cổ đông đứng đơn không chấp nhận, tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CPDL Đồ Sơn tiếp nhận quyền sở hữu vốn từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trước đây. Hiện nay sở hữu của SCIC là 55,63% vốn điều lệ. Công ty CPDL Đồ Sơn đang sở hữu nhiều địa điểm kinh doanh lý tưởng tại Khu 2 Đồ Sơn (TP Hải Phòng), ngành nghề chính là kinh doanh khách sạn, du lịch.

Thay người đại diện vốn Nhà nước

Ngày 8/7, làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc Tổng Công ty SCIC cho biết: “Sau khi tiếp nhận bàn giao của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch theo quy định của Chính phủ, việc quản trị đối với  Công ty CPDL Đồ Sơn  trước đây chúng tôi sử dụng người đại diện hoàn toàn là người trong công ty. Sau một quá trình thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu Nhà nước, chúng tôi xét thấy công ty có một số bất ổn, đặc biệt là vấn đề nội bộ.

Mặt khác với việc sở hữu số vốn 55,63% ở Công ty CPDL Đồ Sơn thì SCIC nên trực tiếp quản lý. Thông thường nếu ở một số doanh nghiệp mà SCIC có vốn lớn thì chúng tôi trực tiếp giữ vị trí chủ chốt, nhưng là kiêm nhiệm. Chúng tôi sử dụng hệ thống người đại diện hầu hết cho các doanh nghiệp có vốn. Những người đại diện này thường giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và Giám đốc”.

Về nội dung tố cáo cử người đại diện không đúng pháp luật, ông Lại Văn Đạo cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện đúng quy trình cử người đại diện đối với anh Hà Kim Long theo đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào Nghị định của Chính phủ, căn cứ vào Quy chế người đại diện của chúng tôi. Anh Long là “người đại diện khác”, tức là anh Long không phải cán bộ của SCIC, nhưng anh Long lại là một cổ đông khá lớn, đứng thứ 2 sau SCIC.

Với số vốn sở hữu 7,73%. ĐHCĐ đã bầu anh Long vào HĐQT, đồng thời HĐQT đã bầu anh Long chức Phó Chủ tịch HĐQT. Như vậy anh Long là 1 cổ đông lớn của Công ty CPDL Đồ Sơn, là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Đồ Sơn, nên chúng tôi lựa chọn anh Long là người đại diện cùng với các đại diện khác. Việc đề cử ông Long cũng như hai cán bộ khác của SCIC vào danh sách bỏ phiếu tham gia HĐQT và kết quả bỏ phiếu tại đại hội đều được chủ toạ và 100% các cổ đông tham dự đại hội thông qua theo Biên bản và Nghị quyết ĐHCĐ 2014”.

Sau khi các cổ đông Công ty CPDL Đồ Sơn gửi đơn tới các cơ quan chức năng không đồng tình với SCIC đề cử ông Hà Kim Long đại diện vốn Nhà nước, ngày 10/6/2015, ông Hà Kim Long đã có đơn gửi SCIC xin thôi cương vị người đại diện của SCIC tại Công ty CPDL Đồ Sơn để cử người khác. Ngày 24/6/2015, SCIC đã có quyết định thôi làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty CPDL Đồ Sơn với ông Trần Văn Thành, ông Hà Kim Long, bà Nguyễn Thị Thắm. Cử hai ông bà đại diện vốn Nhà nước là: bà Vũ Thái Huyền, Phó trưởng Ban Quản lý vốn đầu tư 1 SCIC, Chủ tịch HĐQT Công ty CPDL Đồ Sơn là người đại diện chịu trách nhiệm phụ trách chung; ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên viên Ban Quản lý rủi ro SCIC.

Ông Lại Văn Đạo cho biết, địa điểm kinh doanh của Công ty CPDL Đồ Sơn tương đối đắc địa, lẽ ra có thể có khả năng tăng trưởng và lợi nhuận tốt hơn. Ở đây chỉ có một số địa điểm công ty trực tiếp kinh doanh còn đại đa số là cho thuê mặt bằng, cho các đối tác bên ngoài kinh doanh. Ngay sau đây, SCIC sẽ triển khai các bước thoái vốn sớm để bảo toàn vốn Nhà nước tại Công ty CPDL Đồ Sơn.

Việt Hà
.
.
.