Tham tán thương mại phải là cánh tay nối dài của Chính phủ và doanh nghiệp

Thứ Bảy, 27/02/2016, 09:53
Sáng 26-2, Hội nghị Tham tán Thương mại 2016 đã được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việc Việt Nam bước vào giai đoạn bước ngoặt mới của hội nhập khiến cho hội nghị năm nay sôi động hơn hẳn mọi năm, bởi những thách thức, yêu cầu trong thời gian tới là không hề nhỏ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc ký kết hàng loạt các FTA đã đưa Việt Nam thành điểm giao thoa của các FTA đỉnh cao của khu vực và thế giới. 

“10 năm trước chúng ta đã chậm trong gia nhập WTO, thì nay, chúng ta đã chủ động, mở ra giai đoạn vàng trong hội nhập của Việt Nam, tạo ra động lực mới trong đầu tư và xuất khẩu, đột phát trong cải cách thể chế, kỳ vọng đưa doanh nghiệp (DN) Việt Nam bước vào chu kỳ phát triển mới mạnh mẽ hơn. Hiện nay, khái niệm thương mại đã có nhiều thay đổi, nên nhiệm vụ của các thương vụ cũng không chỉ làm theo phương cách truyền thống, mà còn bao gồm các hoạt động thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế. “Đề nghị Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho thương vụ là tai mắt và cánh tay nối dài của Chính phủ và DN, là radar kinh tế”. 

Ông Lộc cũng đề nghị thương vụ đặt trọng tâm vào tìm kiếm đối tác là DN vừa và nhỏ của các nước, vì đây sẽ là đối tác chính của DN Việt Nam trong làn sóng đầu tư, xuất khẩu thời gian tới. 2 năm tới là cơ hội rất lớn cho các DN tìm bạn hàng, tìm cơ hội đầu tư… cần phải đón bắt cơ hội trong thời điểm này. 

Trước thực tế điều kiện nhân lực, nguồn lực còn hạn chế, các thương vụ mới chỉ có thể duy trì sự có mặt của mình tại các khu vực, cung cấp thông tin chung, chứ chưa có các thông tin chuyên sâu, ông Lộc đã mạnh dạn đề nghị các thương vụ có thể làm dịch vụ cung cấp thông tin. Các DN và Hiệp hội DN trong nước sẵn sàng chi trả phí dịch vụ để có được những thông tin chất lượng. Ý kiến này cũng đã nhận được sự nhất trí ban đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thủy sản xuất khẩu đang đối mặt với nhiều thách thức.

Chia sẻ câu chuyện của ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản (VASEP) cho biết, ít nhất 6 vấn đề thách thức thường trực của ngành thủy sản phải đối đầu. Thứ nhất là các rào cản kỹ thuật sẽ được nâng lên, đặc biệt là dư lượng kháng sinh. (Ông Nam cho biết danh mục các chất bị cấm ngày càng nhiều lên, với hàm lượng ngày càng thấp hơn). Thứ hai là các yếu tố về bảo tồn, nhưng Mỹ và châu Âu có các quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp. Quy định về ghi nhãn, xuất xứ ngày càng nhiều khó khăn hơn; thủ tục hành chính rườm rà hơn và cuối cùng là các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp… 

Ông Nam nêu ví dụ, Trung Quốc dù có nhu cầu về thủy sản rất lớn, nhưng nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất sang đến nơi bị trả về với lý do chưa đăng ký xuất khẩu lần đầu. 10 năm trước không có những vấn đề này, nhưng càng hội nhập càng nảy sinh nhiều thêm. Chưa kể đến việc hiện thủy sản Việt Nam còn bị truyền thông “bôi nhọ” ở một số quốc gia cũng có truyền thống về ngành này. Những thông tin thiếu khách quan về sản phẩm Việt Nam như ô nhiễm, bẩn, biến đổi gen… lập tức tác động ngay đến tâm lý tiêu dùng của người dân sở tại vốn chưa từng biết đến Việt Nam. Về vấn đề này, ông Nam hi vọng thương vụ sẽ là cánh tay nối dài của DN, các ngành hàng để hóa giải, mang lại những thông tin đầy đủ, trung thực về hàng hóa Việt Nam... 

Nhật Bản hiện đang kiểm tra kháng sinh đối với thủy sản của Việt Nam nghiêm ngặt hơn so với thị trường nghiêm ngặt nhất là châu Âu đến 10 lần. Hằng năm, chúng ta xuất vào thị trường này 1,3 – 1,5 tỷ USD thủy sản, nếu vì rào cản này mà không thể xuất khẩu thêm, sẽ là một thiệt hại rất lớn đối với ngành đang kéo theo khoảng 5 triệu lao động này. Nghe thông tin này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lập tức hỏi thêm tình hình. 

Ông Nam cho biết, chính sách này của Nhật Bản đã kéo dài khoảng 1 năm nay. Hàng từ Ấn Độ cũng bị kiểm soát tương tự, nhưng hàng từ Thái Lan lại không bị kiểm soát. Việt Nam với Ấn Độ đang đấu tranh, nhưng phía Nhật cho biết để đánh giá rủi ro, họ cần có thời gian. Hi vọng mở đầu 2016 sẽ có được kết quả.

Nói về thông điệp của mình trong kế hoạch 5 năm sẽ được trình bày trước Quốc hội vào tháng 3 tới, Thủ tướng cho biết, mục tiêu chung nhất vẫn giữ ổn định vĩ mô và tăng trưởng bình quân 6,5-7%. Góp phần vào thực hiện mục tiêu đó, Thủ tướng yêu cầu các tham tán thương mại không chỉ xúc tiến bán hàng, mà còn học hỏi các mô hình hay trên thế giới để áp dụng. 

Thủ tướng chia sẻ băn khoăn: “Tại sao thủ tục hải quan họ làm có 48 tiếng mà ta làm mười mấy ngày? Phải hết sức trách nhiệm với dân với nước mới làm được. Cần đóng góp xây dựng thể chế, tạo môi trường minh bạch, công bằng. Cố gắng để thủ tục lập doanh nghiệp cứ theo luật mà làm, ít xin-cho chừng nào tốt chừng ấy… Chừng nào doanh nghiệp còn bị khó khăn thì ta còn lỗi”. 

Thủ tướng cũng yêu cầu “phải tận dụng tối đa hiệp định đã có, tuyên truyền để người dân thấy thuận lợi để phát huy cho hết. Các đồng chí tham tán phải bớt chung chung đi, phải là nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, có trách nhiệm cao. Nhấn mạnh phải tạo điều kiện tối đa cho DN, đặc biệt là DN tư nhân làm ăn, kinh doanh, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, không thể có thứ tự do không có quản lý như vụ Liên Kết Việt. “Không thể có đa cấp kiểu đó, tôi nghe rất xót ruột, mấy chục ngàn người là nạn nhân. Trách nhiệm của chúng ta thế nào? Không thể có tự do mà không có quản lý, vẫn phải vì lợi ích chung”.

V. Hân
.
.
.