Thách thức trong thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước

Thứ Bảy, 28/05/2016, 06:11
Đây là chủ đề của buổi đối thoại chính sách do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 27-5 tại Hà Nội. Buổi đối thoại nhằm trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia về việc soạn thảo Nghị định về tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Hiện nay, Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. Số liệu của 781 doanh nghiệp 100% sở hữu Nhà nước năm 2014: tổng tài sản 3.105 nghìn tỷ đồng (trong đó, tập đoàn, Tổng công ty và công ty mẹ -con chiếm 90%). 

Vốn chủ sở hữu 1.233 nghìn tỷ đồng (tập đoàn 65%, Tổng công ty 25,2%, khối công ty mẹ con chiếm 2,3%). Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5.408 nghìn tỷ đồng.

Để tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực này vì lợi ích tối cao của chủ sở hữu Nhà nước, CIEM cũng đưa ra các giải pháp như: tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, công bằng, bình đẳng; nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh của bản thân DNNN; đồng thời, cần có quản lý, giám sát có hiệu quả, hiệu lực của chủ sở hữu Nhà nước.

Ông Phạm Quốc Trung, Phó Ban phụ trách Ban Doanh nghiệp CIEM cho biết, Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15-11-2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Về nguyên tắc đã hết hiệu lực do không còn căn cứ pháp luật. Chính vì thế, CIEM đang tiến hành soạn thảo Nghị định mới. Mô hình mới, chắc chắn ảnh hưởng nhiều mặt đến bộ máy cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp hiện nay.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, khi tác động đến của cải, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản Nhà nước sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi thành lập Cơ quan này cũng sẽ có được những điểm “được” và “mất” trong mô hình mới.

Theo đó, về mối quan hệ trực tiếp, thân thuộc giữa doanh nghiệp với bộ máy Nhà nước có thẩm quyền phân bổ nguồn lực quốc gia, sự hỗ trợ có thể có khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong khi đó, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cơ quan này cần trực thuộc Chính phủ; yêu cầu nên bàn sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy này; bộ máy này sẽ hoạt động như thế nào để tránh cồng kềnh, kỳ vọng tách ra để hiệu quả vốn Nhà nước sử dụng hiệu quả; đồng thời, khi Cơ quan này ra đời, tất cả Bộ, ngành cần có giám sát theo chuyên ngành của mình.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, “Vấn đề này nhận được sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt là Phó Thủ tướng phụ trách về đổi mới doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ quyết tâm sẽ triển khai, không có chuyện bàn lùi dù khó khăn. Vấn đề đặt ra bây giờ không phải là không làm mà phải là làm như thế nào? Vì vậy, lắng nghe ý kiến, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện từ phía các bộ chủ quản và bản thân doanh nghiệp, để tránh đưa ra quyết định duy ý chí, đạt được mục đích, mục tiêu đề ra”.

L.Hiệp
.
.
.