Sẽ thanh tra khoảng 100 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá

Thứ Hai, 18/01/2016, 10:57
Nhiều năm qua, có không ít doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kê khai lỗ liên tục tại Việt Nam. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn mất cả vốn chủ sở hữu nhưng điều bất thường là các doanh nghiệp này vẫn cứ mở rộng quy mô hoạt động và tăng doanh thu.


Trong khi đó, số tiền thuế phải nộp cho Ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp lại lẩn tránh hoặc nộp số tiền quá ít so với  thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp không phải đến bây giờ mới bị phát hiện mà đã bị phát hiện từ nhiều năm qua và cơ quan thuế cũng đã vào cuộc. Thế nhưng, trên thực tế, các giao dịch liên kết, đáng ngờ của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn đa quốc gia vẫn diễn ra hết sức tinh vi với những thủ thuật khó lường. Hành vi này của các doanh nghiệp không chỉ gây thất thu thuế cho Nhà nước, mà còn gây tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau.

Ông Nguyễn Thới Ánh - Trưởng phòng Thanh tra giá chuyển nhượng - Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết: Hằng năm Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đều tổ chức thực hiện thanh tra doanh nghiệp theo chuyên đề và phát hiện ra nhiều thủ đoạn trốn thuế tinh vi của các doanh nghiệp.

Cụ thể như ngành nông, lâm, thủy sản thì xuất hiện một số vệ tinh đầu mối gian lận trong chứng từ đầu vào để thực hiện hoàn thuế GTGT, rút tiền Ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, qua chuyển nhượng vốn thì không kê khai nộp thuế để trốn hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Nhất là chuyển nhượng vốn của các doanh nghiệp FDI luôn có 2 hợp đồng chuyển nhượng với giá trị khác nhau, việc chuyển tiền thông qua các ngân hàng ở nước ngoài nên cơ quan thuế rất khó xác định được số thuế phải nộp. Còn đối với các doanh nghiệp kê khai lỗ thì đa số là ở ngành may mặc và da giày, nhằm thực hiện chuyển giá để tránh thuế. Vì vậy cơ quan thuế phải áp giá hoặc ấn định thuế theo Thông tư 66/2010/T-BTC về chống chuyển giá.

Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may cũng nằm trong chuyên đề kiểm tra, thanh tra của cơ quan Thuế.

Riêng với  ngành Dầu khí thì có đến hàng trăm thứ phí không được hạch toán vào giá thành với mỗi khoản chi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đô la Mỹ, nhưng doanh nghiệp cứ vô tư chuyển hết vào giá vốn. Và vấn đề đáng quan ngại nhất đó là hiện tượng giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng với hàng chục, hàng trăm tỷ đồng gửi vào - rút ra, chuyển đi trong thời gian rất ngắn, có thể chỉ trong ngày. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có cảnh báo đến Bộ Tài chính, Bộ Công an về các giao dịch bất thường này.       

Trong năm 2015, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thanh tra, kiểm tra hơn 750 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và có hoạt động giao dịch liên kết. Qua đó, phát hiện 553 doanh nghiệp vi phạm phải xử lý với số tiền đề nghị truy thu hơn 127 tỷ đồng, phạt 54,5 tỷ đồng và giảm lỗ 2.582 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 24 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng, đã truy thu và phạt với số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Riêng các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, tình trạng chuyển giá tại các doanh nghiệp này hết sức phức tạp, nên việc xác định có hiện tượng, hành vi chuyển giá để đi đến một quyết định mang tính pháp lý cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cơ quan thuế vẫn quyết tâm thực hiện trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, qua kết quả thanh tra chống chuyển giá của Cục Thuế thành phố trong hoạt động sản xuất, gia công may mặc, đã có tác dụng đánh động đến các doanh nghiệp thường xuyên khai lỗ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết. Một số doanh nghiệp đã điều chỉnh lại giá bán, giá gia công sau khi thanh tra, kiểm tra.

Trong năm 2016, Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thanh tra khoảng 100 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá.

T.Hà
.
.
.