Sau cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động kém hiệu quả

Thứ Năm, 12/12/2019, 07:25
Cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đã chậm, song sau CPH, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN dù có xu hướng tăng nhưng mức tăng vẫn rất khiêm tốn. Thậm chí, nhiều DN sau CPH vẫn hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu.

Đây là thông tin được đại diện Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc Họp báo chuyên đề ngày 10-12-2019 về “Tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018; kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) năm 2019”.

Theo số liệu tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2018 của 505 DNNN, tổng tài sản của các DNNN là 2.937.871 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2017. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 39% tổng tài sản, trong đó khối các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản là 2.690.431 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản; các công ty TNHH MTV độc lập còn lại chiếm 8% tổng tài sản.

Về tình hình tài chính của các DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, báo cáo tổng hợp từ 350 DN cổ phần cho thấy, khối DN này có xu hướng tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn có một số DN sau CPH hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu. 

Cụ thể, năm 2018, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần là 777.315 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2017. Về nguồn vốn, tổng số nợ phải trả của các DN cổ phần theo báo cáo hợp nhất là 397.154 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 65% tổng số nợ phải trả. 

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm. Ảnh minh họa

Khối Tập đoàn, Tổng công ty, công ty mẹ - con cổ phần có tổng số nợ phải trả theo số liệu báo cáo hợp nhất là 351.733 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng số nợ phải trả của các DN cổ phần. Về tiến độ CPH, dù đã được đặt ra theo chỉ tiêu nhưng tiến độ vẫn chậm từ năm này sang năm khác. Đến thời điểm này, mới có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. 

Trong đó, chỉ có 3 DN thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành CPH theo từng năm giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ… Như vậy, giai đoạn 2016 – 2019, cả nước đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. 

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định, trong 168 DN đã CPH chỉ có 36 DN CPH thuộc danh mục 128 DN CPH theo quy định (đạt 28% kế hoạch), số DN còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 DN. 

“Mặc dù đã được nhắc nhở, đôn đốc nhưng tiến độ CPH các DN tiếp tục chậm, không đạt được kế hoạch đề ra. Nhiều đơn vị còn tồn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm tới 54% số DN trong danh mục nhưng thời gian qua vẫn "án binh bất động". 

Cụ thể, TP Hà Nội còn phải CPH 13 DN (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch. TP Hồ Chí Minh CPH 38 DN (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN CPH 6 DN (3 tập đoàn, 3 tổng công ty). Bộ Công thương CPH 4 DN (3 tổng công ty). Bộ Xây dựng CPH 2 tổng công ty”, ông Tiến thông tin. 

Tương tự, về thoái vốn, năm 2019 đã có 13 DN thuộc danh mục ban hành thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế, từ năm 2017 - 2019, thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng mới đạt 7,8% kế hoạch. 

“Tiến độ CPH, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, không đạt được theo kế hoạch đã đề ra. DNNN chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần; chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - Cục trưởng Đặng Quyết Tiến cho biết. 

Bên cạnh đó, nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Đồng thời, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau CPH theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các DN này.

Hà An
.
.
.