Phí dịch vụ thấp, kinh doanh cảng biển vẫn gặp khó

Thứ Bảy, 06/10/2018, 06:57
Ngày 5-10 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã tổ chức Hội thảo về các giải pháp tăng cường kết nối, đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng, cắt giảm chi phí logistics trong lĩnh vực GTVT và sự cần thiết điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển.


Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý; doanh nghiệp (DN) dịch vụ tại cảng biển; các hiệp hội vận tải, chủ hàng; Hiệp hội DN logistic cùng nhiều chuyên gia trong ngành. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chủ trì hội thảo.

Theo Cục Hàng hải, cả nước hiện có 45 cảng biển với 263 bến cảng, 18 khu neo đậu, chuyển tải; tổng chiều dài cầu cảng đạt gần 89km và tổng công suất thiết kế khoảng 543 triệu tấn hàng hóa/năm. Hệ thống cảng biển hiện do 216 DN Nhà nước và DNTN sở hữu, quản lý và khai thác.

Sau nhiều năm được đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, đến nay hệ thống cảng biển đã đồng bộ về sơ sở hạ tầng và được phân bổ trải rộng theo từng vùng miền để tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên; đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển; phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển và cả nước.

Dù vậy, đến nay cũng chỉ có một số ít cảng được xây dựng với mức đầu tư lớn, trang thiết bị hiện đại như khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu; khu vực Lạch Huyện ở Hải Phòng hoặc cảng Hải Phòng, cảng Cát Lái – TP Hồ Chí Minh… Còn lại phần lớn các cảng thuộc DNTN có quy mô nhỏ lẻ, vốn đầu tư thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao.

Một cảng biển ở TP Hồ Chí Minh.

Chính từ thực tế đó, mức giá thành dịch vụ tại từng cảng biển không tương đồng. Đã vậy, mức khung giá một số dịch vụ được xây dựng từ năm 2013-2014 đến nay đã không còn phù hợp. Trong đó, khung giá xếp dỡ container, giá dịch vụ hành khách tại các cảng biển ở mức rất thấp so với khu vực.

Chẳng hạn, giá dịch vụ xếp dỡ container tại khu vực cảng Hải Phòng chỉ vào khoảng 30 USD/cont 20 feet lần xếp dỡ; Đà Nẵng khoảng 45 USD/cont 20 feet; TP Hồ Chí Minh khoảng 41USD/cont 20 feet… Trong khi mức thu này ở Campuchia hiện tại là 65USD/cont 20 feet, Malaysia là 52USD/cont 20 feet, Hồng Kông lên tới 130USD/cont 20 feet.

Tương tự, mỗi hành khách khi cập cảng sẽ nộp phí cho cảng từ 0,9 - 1,1USD/lượt trong khi mức giá này ở cảng biển Singapore và Nhật Bản khoảng 8USD; cảng biển tại Hồng Kông khoảng 14USD, cao hơn hàng chục lần.

Chưa hết, giá dịch vụ bốc dỡ container được các cảng thu từ hãng tàu, sau đó hãng tàu thu lại từ chủ hàng, song mức phí do chủ tàu thu trực tiếp từ chủ hàng cao hơn rất nhiều, khoảng 90-110 USD/cont 20 feet và 120 - 145 USD/cont 40 feet. Ngược lại, cảng chỉ được hãng tàu trả khoảng 30-46 USD/cont 20 feet, và 45 - 68 USD/cont 40 feet. Thực tế này khiến nhiều cảng không đủ nguồn thu để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cục Hàng hải cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu thêm 10% đối với khu vực I và tại cảng Cải Mép - Thị Vải là phù hợp với thị trường, cân bằng giữa doanh thu của hãng tàu và DN cảng nhưng không gây tác động đến chỉ số giả tiêu dùng để nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cảng biển.

Thậm chí, theo Cục Hàng hải, khung giá dịch vụ chưa hợp lý cũng không giúp giảm chi phí logistics mà ngược lại còn khiến các DN cảng biển khó có thể đẩu tư nâng cấp công nghệ bốc xếp khiến thời gian lưu hàng tại cảng kéo dài, gây tốn kém cho các DN vận tải.

Về hành khách, do chỉ có một số ít cảng kết hợp đón tàu khách nên với mức giá theo quy định từ 0,9 đến 1,1 USD/lượt khách cũng sẽ không bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn, an ninh và không đủ để tái đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để có thể tiếp nhận các tàu du lịch quốc tế cỡ lớn.

Trong khi đó, một số hãng tàu du lịch nước ngoài cho biết sẵn sàng chi trả mức phí cập cảng cao hơn đề nhận được dịch vụ chuyên dùng đón khách, nhưng đề nghị này không thể thực hiện do vướng quy định về khung giá dịch vụ cầu bến phao neo quá thấp lâu nay.

Cục Hàng hải cũng nhận định, ngành logistics hiện đang phải đối diện với không ít thách thức, trong đó vấn đề lớn nhất cản trở sự phát triển cũng như đẩy chi phí lên cao là do sự thiếu đồng bộ; thiếu kết nối cùa hệ thống hạ tầng giao thông; đồng thời thiếu nguồn lực để đầu tư hiện đại hoá hệ thống cảng bến, công nghệ bốc xếp...

Để xoá rào cản đối với hoạt động vận tải, góp phần giảm giá thành vận chuyển, tăng tính cạnh tranh về giá sản phẩm, Cục Hàng Hải đề xuất sửa đổi khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sừ dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển theo 2 phương án, gồm giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối cần điều chỉnh thiểu là 2,5 USD/người/lượt, tối đa là 5 USD/người/lượt; giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực I cần tăng khoảng 10% so với khung giá hiện hành, lên mức 33 USD/cont 20 feet và 55 USD/cont 40 feet. Riêng khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực ĐBSCL cần giảm 50% so với khung giá ở dịch vụ tương tự ở khu vực III.

Phương án khác, Cục Hàng hải đề nghị điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tiếp cận dần với mức giá chung của khu vực và thế giới. Trong đó, giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 5 USD/người/lượt, tối đa là 15 USD/người/lượt; giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực 1 tăng bằng giá khu vực 3 theo lộ trình tăng từng giai đoạn, từ 10 - 30% và giữ nguyên mức khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ lai dắt cung cấp cho tàu hoạt động nội địa và nước ngoài để không gây tác động đến hiệu quả hoạt động của hãng tàu; không làm tăng chi phí vận tải cũng như không ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng CPI.

Đại diện Cục Hàng hải cho biết, sau thời gian tổ chức lấy ý kiến các DN, các hiệp hội vận tải, các chuyên gia trong ngành, đề xuất trên của Cục Hàng hải nhận được sự đông tình, nhất trí của đông đảo cộng đồng DN liên quan. Trong đó đại diện các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Chân Mây cũng bày tỏ mong muốn giá dịch vụ hành khách đối với tàu khách có thể tăng thêm từ 2,5 - 15USD theo lộ trình và đặc điềm từng khu vực cảng.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của đại diện cộng đồng DN cảng và các chuyên gia cũng đã bày tỏ sự đồng tình với việc phải tăng phí dịch vụ tại các cảng biển nhưng cũng có một số ý kiến còn băn khoăn, cho rằng việc tăng phí dịch vụ phải tính toán kỹ, có giải pháp tố ưu để tránh tác động đến giá cả hàng hóa.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam góp ý, nhà cung cấp dịch vụ luôn muốn giá cao để có lợi nhuận, còn người sử dụng dịch vụ lại muốn có giá cạnh tranh. Do đó, phải chọn mức giá tiệm cận với mức giá của các nước trong khu vực cũng như của thế giới.

Còn việc tăng giá đối với lĩnh vực vận tải hành khách du lịch biển cần phải cân nhắc và điều chỉnh sao cho phù hợp bởi ở Việt Nam hiện chưa có bến cảng hành khách nào mà chủ yếu sử dụng cảng biển tổng hợp, dịch vụ không đảm bảo.

Đồng ý việc tăng phí theo phương án dần tiếp cận với phí trong khu vực, ông Nhữ Đình Thiện, Tổng Thư ký Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam cho hay, hiện các chủ tàu đã tăng thu phí từ 80USD lên 120USD/20 cont 20 feet từ chủ hàng nhưng chỉ trả cho cảng 30 - 40USD là không hợp lý.

“Các hãng tàu nước ngoài hưởng lợi khi giá cảng phí thấp mà họ vẫn thu phí cao, vì vậy việc tăng phí là cần thiết để các cảng có thêm doanh thu, lợi nhuận tăng nộp ngân sách nhà nước và có hiểu quả để nâng cấp, tái đầu tư cho cảng”, ông Thiện đề nghị.

Chia sẻ với khó khăn của DN cảng biển do phí dịch vụ ở mức khá thấp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, để triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đang triển khai một loạt các giải pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm điều kiện kinh doanh; đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành; tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải; phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; huy động các nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường hợp tác vởi các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics...

“Theo đánh giá của WB, nếu như năm 2016, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics cùa Việt Nam còn xếp thứ 64/160 nước, thì đến năm nay, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam đã vươn lên thứ 39/160, đứng thứ 3 trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, chi phí logistic của Việt Nam vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 20,9% GDP là khá cao so vởi các nền kinh tế phát triển. Do vậy, giảm chi phí logistics đang là vấn đề đặt ra hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chia sẻ.

Đ.Thắng
.
.
.