Thanh tra dự án Núi Pháo:

Phát hiện hàng loạt sai phạm ảnh hưởng tới môi trường

Thứ Ba, 18/07/2017, 07:47
Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo - được xem là dự án về khoáng sản lớn nhất Việt Nam tồn tại hàng loạt sai phạm trên cả 4 lĩnh vực được thanh tra.


Mỏ Núi Pháo do Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (NUIPHAO MINING) thực hiện tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Căn cứ vào giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh Thái Nguyên, Công ty Núi Pháo được thực hiện dự án trong thời gian 30 năm (kể từ 2004) để khai thác vonfram, fluorit, bismuth, đồng, vàng, với tổng diện tích khu mỏ là 921ha. Công suất thiết kế của nhà máy lên tới 3,5 triệu tấn quặng nguyên khai/năm. 

Công ty Núi Pháo đã trở thành nhà cung cấp vonfram lớn nhất thế giới (ngoài Trung Quốc), với 36% tổng sản lượng toàn thế giới. Núi Pháo cũng được kì vọng trở thành hình mẫu của ngành khai khoáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. 

Thế nhưng, từ khi đi vào khai thác, nhà máy liên tục bị người dân sinh sống tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ khởi kiện bởi gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn… Đặc biệt, vào tháng 6-2016, một số hộ dân xóm 4, xã Hà Thượng đã tụ tập gây cản trở giao thông, mang áo quan ra chặn đường nội bộ của Công ty Núi Pháo…

Trước tình hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định thanh tra toàn diện dự án Núi Pháo. Việc thanh tra được thực hiện từ ngày 28-9-2016 do ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm trưởng đoàn, thời gian kéo dài 45 ngày.
Núi Pháo là dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam.

Sau một thời gian dài thực hiện, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân vừa kí kết luận thanh tra tại Công ty Núi Pháo. Theo đó, công ty đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động trên cả 4 lĩnh vực là khoáng sản, đất đai, môi trường và tài nguyên nước. 

Ở lĩnh vực đất đai, tại thời điểm thanh tra, công ty chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, di dời số hộ dân sống trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng môi trường. 

Cụ thể, trong diện tích 19,72ha đã được UBND tỉnh Thái Nguyên bàn giao, công ty chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho 11 hộ gia đình, trong đó có 7 hộ nằm trong hàng rào nhà máy, 4 hộ nằm ngoài hàng rào nhà máy. Điều này được cho là đã không thực hiện đúng cam kết  trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt trước đó. 

Ở lĩnh vực khoáng sản, công ty phát hiện có khoáng sản mới trong quá trình khai thác (quặng sắt) nhưng không báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Ngoài ra, công ty cũng chưa lập đề án cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chưa thu hồi khoáng sản vàng đi kèm... 

Ở lĩnh vực môi trường, công ty chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành giai đoạn 2,3 của dự án; chưa lắp đặt hệ thống xử lí nước thải cục bộ trước khi thải ra các hồ lắng quặng đuôi (hồ STC); chưa lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động... 

Nước thải từ quá trình tuyển sunfua có sử dụng hoá chất xyanua được thu gom vào khu vực chứa nước thải tập trung và được chuyển về hồ thải STC. Tuy nhiên, kết cấu thành, đáy và vách ngăn của hồ STC chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam, chưa sử dụng vật liệu chống thấm theo quy định. Các hồ chứa nước thải này đều nằm gần khu dân cư nên người dân lo ngại về việc ô nhiễm nguồn nước do rò rỉ nước thải. 

Ở lĩnh vực tài nguyên nước, công ty đã khoan thăm dò nước dưới đất mà chưa có giấy phép; khai thác, sử dụng nước mặt vượt quá lưu lượng được quy định trong giấy phép... Với những sai phạm trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt Công ty Núi Pháo 510 triệu đồng.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Núi Pháo phải khắc phục ngay những vi phạm, xây dựng bổ sung các công trình bảo vệ môi trường. 

Cụ thể, công ty phải có giải pháp giảm ô nhiễm, tránh ảnh hưởng tới dân cư khu vực; kiểm soát chặt chẽ các loại hoá chất độc hại như asen, xyanua, beri, đặc biệt là đánh giá toàn diện và đầy đủ về tác động của beri đối với sức khoẻ con người; xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình xử lí chất thải theo đúng quy định về bảo vệ môi trường; quan trắc, đánh giá thường xuyên chất lượng nước ngầm ở xung quanh các hồ chứa nước thải, đặc biệt tại khu vực xóm 6, xã Hà Thượng; tiến hành chống thấm theo đúng tiêu chuẩn cho các hồ chứa nước thải; nhanh chóng thực hiện đền bù, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong vùng ảnh hưởng... Trong thời gian khắc phục hậu quả vi phạm, công ty phải giảm công suất khai thác. 

Trước đó, các kết quả quan trắc môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên thực hiện cho thấy, nước thải ra môi trường của Công ty Núi Pháo đã bị ô nhiễm kim loại nặng và hóa chất. Hàm lượng asen, sắt, thủy ngân, flo, tổng xyanua… đã vượt giới hạn cho phép. 

Điển hình như trong nước thải nhà máy tại đập Khe Vối đã phát hiện tổng xyanua vượt tiêu chuẩn cho phép đến hàng chục lần. Trong nước mặt suối Cát (tiếp nhận nước thải của Công ty Núi Pháo), hàm lượng xyanua cũng vượt giới hạn cho phép từ 30 lần - 217 lần. 

Ngày 14-7-2016, trong Báo cáo số 147/BC-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng nêu rõ, riêng năm 2015, Công ty Núi Pháo đã sử dụng tới 94.215 tấn hóa chất, trong khi theo kế hoạch khai thác được phê duyệt, công ty chỉ được phép sử dụng 26.438 tấn hóa chất/năm. Không chỉ vậy, nhà máy cũng sử dụng nhiều hơn 13 loại hoá chất so với Báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt năm 2008. Các hóa chất có khối lượng sử dụng vượt quy định là natri hydroxit vượt 10 lần, đồng sunfat vượt 1,3 lần và chất tạo đông tụ trong tuyển nổi - quebracho D2 vượt 1,6 lần…

Để làm rõ hơn những sai phạm của Công ty Núi Pháo, PV Báo CAND đã nhiều lần liên lạc với ông Hoàng Văn Thức, Trưởng đoàn thanh tra dự án Núi Pháo nhưng không nhận được hồi âm.

Khánh Vy
.
.
.