Phấn đấu có nhiều hàng Việt chuẩn hội nhập

Chủ Nhật, 14/06/2020, 09:57
Doanh nghiệp nên nhanh chóng chuyển đổi sang công nghệ số để đảm bảo năng lực cạnh tranh làm ra hàng Việt Nam chuẩn hội nhập để có thể chen chân vào thị trường thế giới.

Ngày 12-6, tại sự kiện “Tái khởi động kinh doanh sau COVID-19 và trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC)” do Hội Doanh nghiệp (DN) HVNCLC tổ chức ở TP HCM, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM nêu quan điểm: “Nếu để ý sẽ thấy rõ, DN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, ít bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh. Tuy nhiên, hội nhập càng sâu càng đòi hỏi DN phải quan tâm và chuyển đổi thật tốt”. 

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, DN nên nhanh chóng chuyển đổi sang công nghệ số để đảm bảo năng lực cạnh tranh; không chỉ là HVNCLC mà phải là “hàng Việt Nam chuẩn hội nhập” để có thể chen chân vào thị trường thế giới.

Ông Lương Đăng Sơn - Giám đốc điều hành Công ty CP cung ứng thực phẩm sạch Saigon (Sago foof) chia sẻ: “Dịch COVID-19 đã tác động  tiêu cực đến nhiều DN, và người tiêu dùng (NTD) cũng thay đổi hành vi tiêu dùng. Họ muốn ngồi nhà mua hàng online, muốn giao hàng tận nơi, dành nhiều thời gian ở nhà và ưu tiên sản phẩm chăm sóc sức khỏe. 

Chính  vì vậy, công ty đã tập trung chủ yếu vào các sản phẩm tăng cường miễn dịch, chăm sóc sức khỏe, đồng thời phát triển thế mạnh của mình là tập trung bán hàng online, khai thác các kênh thương mại điện tử (TMĐT) như: Sen đỏ, tiki, shopee, lazada... và cũng tăng cường kênh rất mới đó là Tik tok. 

Bên cạnh đó, tại trang web của công ty, các thông tin về sản phẩm cũng được thể hiện rất rõ ràng, minh bạch. Do đúng với tiêu chí sản phẩm của công ty, nên tăng trưởng doanh số của công ty 40% sản phẩm sữa và dạng sữa trong giai đoạn vừa qua”.

Công ty Duy Anh đã có sáng kiến trong việc sử dụng nguyên liệu làm bún từ dưa hấu, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho rằng, năm 2019, công ty đã đầu tư hệ thống máy móc công nghệ hiện đại châu Âu và đưa vào sử dụng đầu 2020. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều DN, nhưng Cỏ May vẫn tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Đặc biệt, DN cũng đã ký được hợp đồng xuất khẩu 200 tấn gạo để đưa vào siêu thị ở Hồng Kông và tháng 6 này, đã xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên đi Hồng Kông. Tính đến tháng 6-2020 sản lượng và doanh thu của công ty đã đạt 70% kế họach năm 2020.

Nhận thức rõ yêu cầu mới của thị trường, nhiều DN Việt đã khởi động lại hoạt động kinh doanh sau COVID-19 và có sự chuẩn bị sớm cho kế hoạch xuất khẩu sản phẩm vào thị trường các nước. 

Nói về chiến lược của công ty trong những tháng còn lại trong năm, sau khi dịch đã qua, ông Lê Đức Duy, Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Vietsin cho biết, dự kiến trong 6 tháng cuối năm, Vietsin vẫn giữ nguyên kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm, tăng trưởng 10-15% so cùng kỳ năm 2019, trong đó lợi nhuận tăng trưởng 30-40%. 

Công ty tập trung khai thác kênh siêu thị do kênh siêu thị bền vững hơn nhiều so với kênh truyền thống và hiện nay sản phẩm của Vietsin (thức ăn nhanh) đưa vào kênh siêu thị cũng tăng đột biến, chiếm đến 70%. Sắp tới, Vietsin cũng sẽ ký hơp đồng với những DN sở hữu chuỗi nhà hàng nổi tiếng.

Đón đầu xu thế hội nhập chung của toàn cầu từ những năm trước, nhiều Hiệp hội, hội ngành nghề đã hướng DN sản xuất theo chuẩn hội nhập. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết, trong giai đoạn 2020 – 2021, hoạt động trọng tâm của Hội vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu Số hóa – Chuẩn hóa và Thương mại hóa. 

Từ nay cho đến đầu năm 2022, hội sẽ tiến hành các hoạt động để chuẩn bị hội nhập với 2 danh hiệu: “HVNCLC do NTD bình chọn” và “HVNCLC - Chuẩn hội nhập”. Sản phẩm mang danh hiệu HVNCLC là thể hiện sản phẩm được NTD trong nước tín nhiệm và sản phẩm cùng lúc cũng đạt các chuẩn về kỹ thuật an toàn, chất lượng để đi ra thị trường quốc tế. 

Về chương trình “HVNCLC - Chuẩn hội nhập”, theo bà Hạnh, đây là chương trình mà Hội đã đeo đuổi trong gần 4 năm qua. Đến nay đã có 146 DN đạt chứng nhận này, trong đó, ngành thực phẩm có 118 DN và 28 DN phi thực phẩm.

Theo Hội DN HVNCLC, một điểm rất quan trọng trong chương trình  “HVNCLC - chuẩn hội nhập” là đã xây dựng được một tiêu chuẩn bước đệm giữa VietGAP và GlobalGAP để đưa nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới, đó chính là tiêu chuẩn LocalGAP. 

Đáng chú ý, thời gian qua, có hợp tác xã sản xuất lúa ở Cần Thơ và hợp tác xã (HTX) trồng nhãn ở Đồng Tháp được hỗ trợ, tư vấn, huấn luyện để đạt chứng nhận LocalGAP. Dự kiến được cấp vào tháng 7-2020. 

Nhằm hỗ trợ tốt cho các hợp tác xã, DN đạt chuẩn chất lượng mới, Hội DN HVNCLC đã và sẽ tiếp tục hợp tác với các trung tâm để tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện cho nhiều lãnh đạo, xã viên các HTX sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh khả năng các HTX về hai lĩnh vực: chuẩn hóa và thương mại hóa tức kết nối thị trường, tiêu thụ tốt nông sản. 

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, DN nên nhanh chóng chuyển đổi sang công nghệ số để đảm bảo năng lực cạnh tranh. Không chỉ là HVNCLC mà phải là hàng Việt Nam chuẩn hội nhập để có thể chen chân vào thị trường các nước.

Tại sự kiện, Hội DN HVNCLC tổ chức trao chứng nhận danh hiệu HVNCLC cho 604 DN. Trước đó, ngày 9-6, Hội đã tổ chức trao chứng nhận cho các DN phía Bắc. Theo Hội DNHVNCLC, thời gian tới sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN vượt khó, trụ vững thị trường nội địa và phát triển mạnh thị trường các nước theo tiêu chuẩn “HVNCLC – chuẩn hội nhập”.
Thúy Hà
.
.
.