Tạo áp lực cạnh tranh để doanh nghiệp Nhà nước tiến lên công nghiệp 4.0

Thứ Ba, 05/11/2019, 16:50
Ngày 5-11 tại Hà Nội, Viện nghiên nghiến cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo: Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong công nghiệp 4.0: Thực trạng và kiến nghị chính sách. 

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng được các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động của DNNN: nâng cao năng suất, cải thiện quản trị, cải thiện quản lý của Chủ sở hữu, tạo thành lợi thế dẫn dắt thị trường, thúc đẩy hợp tác… từ đó sẽ tăng hiệu quả cho công tác đổi mới, tái cơ cấu DNNN, nhất là những DN còn yếu kém. Vì thế, nhiều DN đã nhanh chóng triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 như xây dựng nhà máy thông minh, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị điện tử…

Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, nếu so sánh với các DN tư nhân thì mức độ sẵn sàng, thực sự ứng dụng Công nghiệp 4.0 của các DNNN đang thấp hơn, chỉ ở mức độ trung bình. Đặc biệt, trong các DNNN thì mức độ này lại không đồng đều ở quy mô và tính chất sở hữu. 

Ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do những bất cập về cơ chế chính sách đối với DNNN trong Công nghiệp 4.0. 

Theo đó, hiện vẫn thiếu văn bản pháp lý, chính sách, chiến lược khoa học công nghệ đặt ra mục tiêu cụ thể, định lượng cho DNNN. DNNN chưa thực sự được coi là một đối tượng quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chưa có quy định, chính sách ràng buộc hợp tác, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các DNNN để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thiếu cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện đầu tư, phát triển; thiếu các giải pháp cụ thể để tái cơ cấu DNNN theo hướng thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.

CIEM khuyến nghị 6 giải pháp chính để DNNN phát triển CN 4.0.

Từ góc độ DN, ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban chiến lược phát triển của EVN đặc biệt nhấn mạnh đến việc thu hút nhân tài đến làm việc tại DNNN.

Đồng quan điểm, đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, DNNN chưa thực sự hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng của người lao động, khiến họ chưa toàn tâm toàn ý hoàn thành mục tiêu. Bên cạnh đó, đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại về cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, như cơ chế cho phép DNNN trích 3-10% của thu nhập tính thuế để thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ nhưng việc triển khai lại rất khó, thậm chí không thể áp dụng được. Hơn nữa, vì là cơ chế sở hữu nhà nước, nên khi đầu tư vào các dự án công nghệ, người phê duyệt dự án sẽ gặp rủi ro cao nếu dự án không có lãi, trong khi chưa có chính sách nào được đưa ra để khắc phục 100%.

Tại hội thảo chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần phải tạo động lực, thậm chí là áp lực cạnh tranh cực mạnh để các DNNN thực sự ứng dụng công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, các DNNN cần tái cơ cấu, cải cách để có phương thức hoạt động theo hướng thị trường nhiều hơn, Nhà nước cũng phải thể hiện vai trò định hướng, không “ôm ấp” hoạt động của DNNN.

CIEM khuyến nghị 6 giải pháp chính để DNNN phát triển CN 4.0. Cụ thể, cần định vị rõ ràng vai trò, mục tiêu của DNNN trong CN 4.0; tái cơ cấu, CPH mạnh mẽ DNNN cả những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong CN 4.0; hiện đại hoá, số hoá quản trị, giám sát của chủ sở hữu nhà nước; hỗ trợ DNNN cải thiện khả năng vận hành số hoá; tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh và các giải pháp bổ trợ khác.




Lưu Hiệp
.
.
.