Góp ý Dự thảo Nghị định thi hành Luật Doanh nghiệp:

‘Nóng’ vấn đề con dấu và sở hữu chéo

Thứ Năm, 14/05/2015, 07:24
Đây là hai vấn đề nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp (DN) và nhiều chuyên gia tại “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh” do VCCI phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 13/5.

Theo đó, các ý kiến cho rằng: Dự thảo cần quy định cụ thể sở hữu chéo trực tiếp của hai DN, sở hữu chéo gián tiếp của nhiều DN.

Tại hội thảo, ông Vũ Phương Đông, giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế - Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Điều 3 của Dự thảo đã cụ thể một số nội dung về hạn chế sở hữu chéo giữa các công ty được quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, theo ông, một số nội dung được quy định tại Điều 3 chưa rõ ràng.

Đại diện một Tập đoàn đề nghị bổ sung: Các DN không có cổ phần hoặc phần vốn góp do Nhà nước sở hữu 100% thực hiện góp vốn, mua cổ  phần trước ngày 1/7/2015 không phải thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 189 Luật Doanh nghiệp. Các DN này có quyền tái cấu trúc theo nhu cầu của DN song không được tăng tỷ lệ sở hữu chéo.

Bên cạnh vấn đề sở hữu chéo, thì vấn đề con dấu cũng nhận được sự quan tâm của DN. Góp ý tại hội thảo, bà Nguyễn Bích Ngọc - Công ty Luật Allens cho biết, Điều 34 quy định: Trước khi sử dụng con dấu, DN phải thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trong trường hợp có thay đổi mẫu dấu, DN không cần thông báo thay đổi trước khi sử dụng con dấu mới mà nghĩa vụ thông báo lại được thực hiện trong vòng 10 ngày sau khi có con dấu. “Như vậy, trong khoảng thời gian 10 ngày này, con dấu mới hay con dấu cũ sẽ có giá trị pháp lý?” – bà Ngọc đặt câu hỏi. 

Vì vậy, “Chúng tôi kiến nghị trong trường hợp thay đổi mẫu dấu, DN cũng cần thực hiện nghĩa vụ thông báo trước khi được sử dụng con dấu mới để phù hợp với cách tiếp cận khi thông báo sử dụng con dấu lần đầu tiên. Nếu không, trong khoảng thời gian DN có con dấu mới nhưng chưa thực hiện thông báo và đăng tải lên Cổng Thông tin Quốc gia về Đăng ký Doanh nghiệp, bên thứ ba không thể xác định được việc DN đã có con dấu mới và liệu con dấu cũ khi đó còn giá trị pháp lý hay không” - bà Ngọc đề xuất.

Lưu Hiệp
.
.
.