Sửa Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

Những trăn trở của doanh nghiệp

Thứ Tư, 05/08/2015, 08:35
Ngày 4/8 tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan phối hợp cùng với Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) tổ chức hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp (DN) phía Bắc cho dự thảo Luật Thuế nhập khẩu (NK), thuế xuất khẩu (XK) (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, Luật Thuế XK, thuế NK hiện hành đã triển khai trong 10 năm. Trong tình hình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật hiện hành để đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế XK, thuế NK phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế trong thời gian tới.

Gỡ vướng về ưu đãi thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Góp ý cho dự thảo Luật, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX) cho rằng, hiện DN kinh doanh xăng dầu lo nhất là việc thay đổi thuế suất thường xuyên khiến DN khó trong việc hoạt động kinh doanh. Vì vậy, quy định tại Điều 11 của dự thảo Luật về nguyên tắc thẩm quyền ban hành thuế suất nên thực hiện theo phương án 2 (Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm hàng thuộc danh mục nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu; Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào nguyên tắc tại khoản 1 Điều này, mức thuế suất tối thiểu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu đối với từng mặt hàng; quyết định áp dụng mặt hàng và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, đối với từng mặt hàng trong trường hợp cần thiết).

Đại diện Công ty Honda Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật đã đưa ra thẩm quyền và nguyên tắc ban hành biểu thuế, tuy nhiên việc giám sát thực hiện nguyên tắc này ra sao cần được đưa vào dự thảo Luật. Bởi thực tế hiện nay, nhiều khi biểu thuế được ban hành không thống nhất với nguyên tắc ban hành biểu thuế. Ví dụ tiêu biểu nhất là việc áp thuế linh kiện và động cơ ôtô nguyên chiếc NK. Trong khi DN nhập khẩu động cơ nguyên chiếc được tính thuế nhập khẩu 0% thì Công ty Honda nhập linh kiện lại chịu thuế 5%. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho DN khi đã đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn lao động… Vì vậy, dự thảo Luật cần đưa rõ nguyên tắc giám sát việc xây dựng biểu thuế.

Tại hội thảo, Ban soạn thảo cũng nêu lên một quy định mới về hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất (TNTX) từ đối tượng hoàn thuế sẽ được chuyển sang đối tượng miễn thuế nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế NK của hàng TNTX... 

Theo quy định hiện hành thì hàng hóa kinh doanh TNTX tạm nộp thuế hoặc thực hiện bảo lãnh khi tạm nhập và được hoàn thuế khi tái xuất. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế, các DN thực hiện bảo lãnh khi tạm NK hàng hóa trong khi cơ quan Hải quan phải theo dõi trên sổ kế toán số tiền thuế này làm tăng chi phí quản lý thuế. 

Bà Lỗ Thị Nhụ - Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý loại hình này cho thấy, hầu hết các nước đều quy định hàng TNTX không phải nộp thuế trong thời hạn nhất định nhưng phải tái xuất đúng thời hạn và phải đảm bảo bằng một khoản tiền đặt cọc tương đương nghĩa vụ thuế phải nộp hoặc đảm bảo bằng một khoản tiền đặt cọc nhất định và quản lý, theo dõi bằng sổ tạm quản. 

Vì vậy, để khắc phục vướng mắc và phù hợp với thông lệ quốc tế, tại khoản 9 Điều 15 dự thảo Luật đã quy định chuyển hàng kinh doanh TNTX từ đối tượng hoàn thuế sang đối tượng miễn thuế trong thời hạn TNTX, kèm với điều kiện phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế NK của hàng TNTX.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội nghị, Ban soạn thảo đã có những giải thích và tiếp thu một cách tích cực những vấn đề vướng mắc liên quan đến thuế trong thực tế của DN.

Lưu Hiệp
.
.
.