Nhiều giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp hội nhập

Thứ Tư, 31/01/2018, 11:44
Năm 2018 là một năm quan trọng với việc nhiều cam kết quan trọng của Việt Nam trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ có hiệu lực. Đây cũng là thời điểm bước ngoặt hết sức quan trọng trong lộ trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam.

Theo đó, việc ký kết Hiệp định CPTPP hay đưa vào thực thi Hiệp định EVFTA sẽ có tác động tích cực đến thương mại và đầu tư trong nước vì đây là các FTA với các đối tác thương mại lớn nhất đối với Việt Nam. 

Việc ký kết và đưa vào thực thi các hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu (XK) hàng hóa sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển và có lợi thế cạnh tranh trong XK. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đối với thực hiện cam kết xóa bỏ thuế quan trong khuôn khổ ASEAN: Việc thực hiện các cam kết đối với nhiều mặt hàng nhạy cảm như ôtô, xe máy, phụ tùng linh kiện ôtô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa sẽ có khả năng làm các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức cạnh tranh cao hơn từ hàng nhập khẩu (NK).

Cải thiện môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành và cộng đồng doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhìn nhận: Nếu tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Việt Nam có nhiều cơ hội để thành công trong năm 2018. Theo đó, có một số điểm nhấn cơ bản cần làm, đầu tiên là tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi thái độ của cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp (DN) và tập trung giải quyết những vấn đề nội tại của DN, thúc đẩy DN tận dụng tốt cơ hội mà các FTA đem lại.

Trong khi đó, từ góc độ DN, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, ngoài tiếp tục tận dụng tốt cơ hội từ các FTA đã có, tập đoàn tiếp tục mong muốn các cơ quan, bộ ngành Trung ương quan tâm thúc đẩy các FTA mới, nhất là Hiệp định CPTPP và sớm đưa Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng tham vấn DN trong quá trình đàm phán. 

Đặc biệt, Vinatex đề xuất, với thị trường Liên minh Kinh tế Á-Âu, Ngân hàng Nhà nước có thỏa thuận về việc thanh toán của các DN trong Liên minh để chính thức qua hệ thống ngân hàng, giảm rủi ro cho DN, thúc đẩy phát triển nhanh hơn thị trường này. 

Đây là thị trường rất tiềm năng. Nếu khai thác được, dệt may Việt Nam sẽ có thêm một thị trường trên 1 tỷ USD. 

Về phía Vinatex, cam kết đưa ra là tiếp tục tự nâng cao năng lực, nắm vững luật pháp quốc tế, phân tích năng lực cạnh tranh để chủ động trong hội nhập, đồng thời đưa ra các đề xuất có giá trị với Chính phủ, các đoàn đàm phán Chính phủ, Ủy ban hợp tác quốc tế.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, Việt Nam là quốc gia thành công và hưởng lợi nhiều từ hội nhập thương mại quốc tế. Hội nhập quan trọng, tuy nhiên phương thức hội nhập còn quan trọng hơn. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập quốc tế. 

Điều này có thể thực hiện thông qua việc thu hút đầu tư FDI có chọn lọc và tầm nhìn dài hạn; nỗ lực thúc đẩy để các DN nội địa gia nhập tốt hơn mạng lưới toàn cầu của các tập đoàn FDI; cải cách thể chế trong nước phải song hành với hội nhập quốc tế…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Ủy viên kiêm Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, tham gia FTA, Việt Nam chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng với các nền kinh tế có trình độ cao hơn. 

Thông thường, ưu đãi duy nhất Việt Nam được hưởng với tư cách là nước đang phát triển là thời gian ân hạn 5-10 năm, tùy theo các mặt hàng. Đó là cơ hội duy nhất để Việt Nam tận dụng cải cách, nâng cao năng lực. 

Sau thời gian đó, Việt Nam sẽ cùng chơi trên một “sân chơi” chung với đối tác mạnh hơn. Bên cạnh đó, tận dụng các Hiệp định sẽ giúp các DN Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường XK đầy tiềm năng. 

Nếu thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả, Việt Nam có cơ hội đón nhận và tận dụng hiệu quả các lợi ích từ các FTA.

Theo đó, để đảm bảo việc thực hiện một cách có hiệu quả các FTA đã ký kết, trong năm 2018, Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh triển khai 6 giải pháp: Tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của việc ký kết, thực thi các FTA đối với từng ngành để điều chỉnh chiến lược phát triển ngành cho phù hợp, xử lý nhanh nhạy các vấn đề cấp bách nảy sinh trong quá trình thực thi các cam kết; Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh thuận lợi tối đa để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong nước; Tư vấn Chính phủ ban hành các chính sách thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành, ưu tiên các ngành quan trọng đối với nền kinh tế như công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. 

Tiếp tục vận động các đối tác, nhất là các đối tác lớn, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường Việt Nam và xử lý hiệu quả tranh chấp, vướng mắc kinh tế, thương mại nhằm bảo đảm lợi ích của người lao động và DN. 

Phát triển mới về đường lối hội nhập quốc tế; Tiếp tục tích cực tham gia đàm phán một số FTA khác nhằm mở rộng thị trường XK và thúc đẩy cơ hội tham gia các chuỗi giá trị khu vực cho các DN như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA Việt Nam - Israel.

Lưu Hiệp
.
.
.