Giảng viên ĐH bỏ việc đi trồng cà phê chất lượng cao xuất khẩu

Chủ Nhật, 20/09/2015, 07:53
Đang là giảng viên Trường Đại học Đà Lạt, Trần Nhật Quang quyết định từ bỏ công việc mà nhiều người đang mơ ước tìm về vùng nông thôn mua đất làm cà phê. Trải qua nhiều gian truân, nay sản phẩm cà phê của anh đã được xuất đi các thị trường khó tính như Đức, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Mê chất lượng hơn năng suất

Năm 2002, anh Trần Nhật Quang chính thức vào làm giảng viên tại Khoa Du lịch Trường ĐH Đà Lạt. Trong những lần đưa sinh viên đi thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên, không ít lần anh chứng kiến cảnh nông dân phá bỏ cà phê chuyển sang sản xuất hoa màu khác khi giá loại cây trồng này xuống quá thấp dẫn đến thua lỗ. Ít năm sau, anh quyết định từ bỏ công việc ổn định ở giảng đường tìm về vùng đất Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) mua và thuê thêm đất lập nghiệp bằng việc trồng cà phê.

Anh Quang chia sẻ, khi bắt tay vào công việc mới biết làm cà phê chất lượng cao thật sự không đơn giản. “Bất lợi lớn của tôi là không có chuyên môn, kinh nghiệm trồng cà phê. Và thế mạnh lớn nhất của tôi là có vốn kiến thức về ngoại ngữ tốt, có khả năng đọc và hiểu được những tài liệu hướng dẫn cách làm cà phê sạch bằng tiếng Anh. Tôi cũng có nhiều người bạn ở các nước phát triển, am hiểu về cà phê, họ sẵn sàng giúp tôi trong lĩnh vực này!...”- anh Quang cho biết.

Anh Trần Nhật Quang đang kiểm tra quá trình rang cà phê tại xưởng.

Trần Nhật Quang ý thức rất rõ mình phải làm gì để sản phẩm tạo ra không phải bán tháo với giá rẻ mạt như nhiều hộ dân khác khi loại nông sản này gặp bất lợi về giá. Hai dòng cà phê được Trần Nhật Quang chọn trồng là Arabica và Robusta. Không hướng tới mục tiêu tăng năng suất như hầu hết người trồng cà phê trong cả nước đang làm, cựu giảng viên này lại chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới thị trường xuất khẩu. Ở nông trại cà phê của anh Quang, trung bình mỗi hécta năng suất đạt 2 tấn cà phê nhân, tức chỉ bằng hơn nửa năng suất trung bình của những nông hộ khác.

Tuy nhiên, Trần Nhật Quang cười tươi, tiếp lời: “Năng suất cà phê của tôi chỉ bằng hơn một nửa những nông hộ khác nhưng hiệu quả kinh tế của tôi  cao hơn hẳn. Giá cà phê nhân hiện nay trên thị trường đang ở 35.000 đồng/kg thì tôi đang bán 60.000 đồng/kg. Đó là chưa kể tôi trực tiếp chế biến thành cà phê thương phẩm bán với giá cao hơn rất nhiều, bởi vì chất lượng cà phê của tôi được thị trường lựa chọn. Tôi tin đã đi đúng hướng!.. ”.

Theo anh Quang, cà phê cho năng suất càng cao thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng quả. Do vậy, anh không bón phân quá nhiều để thúc cây ra trái mà chỉ chăm sóc cà phê theo một quy trình đặc biệt của riêng mình và hướng tới sự tự nhiên đơm hoa kết trái của loại cây này. Trước khi thu hoạch, cà phê ở đây được dùng máy để kiểm tra độ đường trên trái. Theo anh Quang, muốn có sản phẩm cà phê ngon thì độ đường ở quả vào thời điểm thu hoạch phải đạt tối thiểu 15%, tốt chất là từ 18-20%. Tuyệt đối không thu hoạch cà phê khi quả chưa đạt được độ đường tối thiểu hoặc để quả chín đến mức khô luôn ở trên cây.

Đeo ba lô cà phê đi tiếp thị

Trần Nhật Quang nhớ lại: “Cách đây mấy năm, khi ấy “cà phê sạch” đang là thứ rất lạ lẫm đối với người tiêu dùng. Thậm chí, người Việt quen uống “cà phê bẩn” đến nỗi khi uống ly “cà phê sạch” thì lập tức chê cà phê gì mà tệ thế. Thời gian đầu chúng tôi rất vất vả mới đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng. Chẳng hạn, khi gửi sản phẩm đi chào hàng tại thị trường TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, chúng tôi không những không được chia sẻ mà còn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ khách hàng”.

Niềm vui được mùa cà phê. Ảnh: CTV.

Sau khi thành lập Công ty TNHH Cà phê Là Việt, Trần Nhật Quang đem cà phê kèm theo máy rang xay mini cho tất cả vào chiếc ba lô lớn xuống TP Hồ Chí Minh, tìm tới nhiều quán cà phê nổi tiếng trình diễn cà phê phục vụ khách hàng miễn phí để giới thiệu sản phẩm. Một điều dễ nhận thấy là khi vừa nhấp miệng vào cà phê do anh Quảng sản xuất tưởng chừng nhạt và nhẹ nhưng khi uống được nửa ly, tất cả thực khách đều nhận ra nó nặng hơn cà phê họ thường uống rất nhiều. “Nguyên nhân là do cà phê của tôi hoàn toàn nguyên chất, không pha trộn tạp chất nên chất caffein trong cà phê rất mạnh. Khi đã uống cà phê sạch liên tục trong vòng 4 ngày thì họ không thể uống được các loại cà phê khác nữa!...”.

Tại Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột năm 2013, gian hàng cà phê của Trần Nhật Quang vắng tanh khách vì nhiều người cho rằng “uống thấy nhạt”, không đen sóng sánh, không đắng, không có độ đậm đặc như cà phê họ thường uống... Rất may có một doanh nghiệp đến từ Đức  rất chú ý đến sản phẩm cà phê của Trần Nhật Quang. Sau khi nếm thử, doanh nghiệp này đã lấy mẫu cà phê của Trần Nhật Quang đem về nước test thử. Khoảng chục ngày sau họ gửi mail báo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn và đặt vấn đề với Trần Nhật Quang xúc tiến xuất khẩu sang nước họ lâu dài. Lô hàng đầu tiên xuất sang Đức của Trần Nhật Quang là 4 tấn cà phê nhân mang thương hiệu Cà phê Là Việt. “Đó là bước đầu để chúng tôi rộng đường đưa cà phê sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ ít tháng sau đó” - anh Quang cho biết.

Hiện nay, ngoài diện tích 20ha cà phê của mình, anh Trần Nhật Quang còn liên kết với 21 gia đình khác tại huyện Lâm Hà với diện tích hơn 20ha nữa. Anh Quang truyền đạt kỹ thuật chăm sóc cà phê cho họ, hợp đồng nhận bao tiêu sản phẩm, cam kết thu mua với giá cao hơn trên thị trường 20%, đảm bảo cho nông dân luôn có lãi. Sản phẩm cà phê sạch của Trần Nhật Quang ngoài tiêu thụ ở thị trường TP Hồ Chí Minh, Đức, Hoa Kỳ và Nhật Bản, công ty này đang xúc tiến các hợp đồng cung cấp cà phê cho thị trường nhỏ trong khu vực như Campuchia, Đài Loan, Myanmar… Anh Quang cho biết, để có sản phẩm xuất đi nước ngoài, anh đang mở rộng liên kết, tăng sản lượng cà phê nhưng phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Kim Ngân
.
.
.