Mức độ hài lòng của khách hàng với ngành điện tăng đều theo từng năm

Thứ Tư, 17/05/2017, 21:27
Là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên thuê tư vấn độc lập khảo sát chấm điểm các dịch vụ đang cung cấp, mức độ hài lòng của khách hàng với EVN tăng dần qua các năm: Từ điểm bình quân là 6,45 vào năm 2013, đến năm 2016, EVN đã được khách hàng chấm 7,69/10 điểm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam với vai trò vừa là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vừa là doanh nghiệp được Chính phủ giao đảm bảo vai trò nòng cốt trong việc cung ứng điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân. Đến cuối năm 2016, tổng công suất nguồn điện đạt 42.135 MW trong đó EVN và các đơn vị thành viên đạt gần 25.900 MW, chiếm khoảng 62% tổng công suất nguồn toàn hệ thống. Tập đoàn đã đáp ứng đủ điện cho đất nước với sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 159,793 tỷ kWh, tăng trưởng 11,21% so với năm 2015.

Theo báo cáo của ông Dương Quang Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN trong cuộc gặp với Thủ tướng ngày 17-5, các năm vừa qua EVN đã đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của công tác dịch vụ khách hàng, chuyển từ việc cung cấp điện sang việc cung cấp các dịch vụ về điện theo hướng thị trường. 

Từ năm 2013 (được EVN lựa chọn là “Năm Kinh doanh và dịch vụ khách hàng”), lần đầu tiên các chỉ tiêu dịch vụ khách hàng được EVN ban hành định lượng cụ thể, theo tiêu chuẩn dịch vụ điện chung của Quốc tế, với 14 chỉ tiêu định lượng về dịch vụ khách hàng. 

Hiện nay, EVN đã có trên 900 phòng giao dịch khách hàng được hoàn thiện, hệ thống 5 trung tâm chăm sóc khách hàng đã được xây dựng nhằm đáp ứng các nhu cầu dịch vụ về điện của khách hàng trên toàn Quốc. Khách hàng có thể đăng ký cấp điện chỉ cần thông qua hình thức gọi điện tới Trung tâm CSKH hay phòng giao dịch khách hàng và có thể tra cứu thông tin về lịch sử sử dụng điện, hóa đơn tiền điện trên mạng.

Những năm qua, ngành điện đã rất chú trọng đến dịch vụ khách hàng

Cũng bắt đầu từ năm 2013, EVN chính thức thuê Tư vấn độc lập đánh giá sự hài lòng của khách hàng theo phương pháp được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. EVN trở thành DNNN đầu tiên thuê tư vấn độc lập khảo sát chấm điểm các dịch vụ đang cung cấp. 

Mức độ hài lòng của khách hàng với EVN cũng tăng dần qua các năm: Năm 2013 điểm bình quân là 6,45 điểm, thì đến năm 2016 đã đạt 7,69/10 điểm. Năm 2017, EVN ký thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  để cùng  góp phần thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ. 

Với thỏa thuận hợp tác này, EVN là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên và là cơ quan thứ 2 (sau Bộ Tài chính) trong khối cung cấp dịch vụ thuộc nhà nước hợp tác với VCCI để đánh giá dịch vụ khách hàng, tư vấn và lắng nghe tiếng nói và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.  

Trong nỗ lực thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19, từ năm 2013-2016, Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã có các thay đổi đáng kể: Số ngày giảm hơn 1 nửa, từ 115 ngày xuống còn 46 ngày, trong đó số ngày của điện lực đã giảm gần 6 lần (từ 60 ngày xuống 11 ngày). 

Trong các các chỉ số về môi trường kinh doanh khác của Việt Nam thì chỉ số tiếp cận điện năng - mặc dù chưa phải là chỉ số có vị trí tốt nhất, nhưng một trong các chỉ số có sự cải thiện tốt nhất trong 10 chỉ số của Việt Nam trong giai đoạn 2013 – 2016. 

Năm 2017, ngành điện phấn đấu giảm xuống chỉ còn 4 thủ tục với thời gian thực hiện dưới 35 ngày (đến năm 2020 chỉ còn dưới 30 ngày). EVN đã và đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp để đạt được yêu cầu đề ra của Chính phủ, Bộ Công Thương với mục tiêu phấn đấu năm 2017 thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam ở vị trí 50 trên thế giới và thứ 4 trong khu vực ASEAN. 

Ông Dương Quang Thành cho biết EVN sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện và đơn giản hóa các thủ tục trong ngành điện xuống còn 2 thủ tục (giảm 1 thủ tục) với thời gian là 5 ngày (với địa bàn TP Hồ Chí Minh) và 7 ngày (các tỉnh/thành phố còn lại); Làm việc các Bộ và các địa phương để xây dựng và triển khai cơ chế “1 cửa liên thông” giữa các đơn vị ngành điện và các cơ quan quản lý nhà nước; Áp dụng công nghệ thi công giảm thời gian cắt điện; Công khai minh bạch các thủ tục, hồ sơ, thiết kế mẫu để khách hàng giám sát được quá trình cung cấp dịch vụ của ngành điện.

EVN đang áp dụng khoa học công nghệ, phấn đấu giảm thời gian mất điện từ hơn 1.600 phút hiện nay xuống còn 400 phút đến năm 2020. Riêng đối với TP Hồ Chí Minh giảm từ 514 phút hiện nay xuống còn dưới 100 phút, bằng với ASEAN5. 

Nam Phương
.
.
.