Một doanh nhân nặng lòng với người lao động

Thứ Sáu, 26/05/2017, 07:46
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất – Chế biến Nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong – ông Phạm Văn Tứ là dân Gò Công. Đặt trong khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang), doanh nghiệp (DN) của người đàn ông 67 tuổi này chuyên sản xuất những sản phẩm dân dã gắn với hạt gạo như bánh tráng, bánh hỏi, bánh phở, hủ tiếu, bún. 


Sau 15 năm cố gắng trên thương trường, giờ sản phẩm mang thương hiệu DN này tự hào vì đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, các nước EU...

Nặng lòng với người lao động

“Hồi DN Thuận Phong mới được thành lập, tôi chỉ có 60 công nhân; giờ thì đã hơn 1.600 người. Là con nhà nghèo, từng đi làm thuê khổ cực nên tôi luôn thấu hiểu hoàn cảnh của công nhân lao động. Nên từ khi khởi nghiệp, tôi luôn tâm nguyện nếu ăn nên, làm ra thì phải tìm cách giúp người nghèo, trong đó có những công nhân", ông Tứ bộc bạch.

Đặc sệt tố chất của dân miền Tây, với tư cách là chủ DN, ông Tứ thể hiện tấm lòng thơm thảo, thương người bằng việc làm thiết thực mà tất cả người lao động trong công ty ông đều cảm nhận được. Hôm tiếp xúc với nhiều công nhân của DN này, tôi không hình dung được rằng, lương bình quân của họ ở mức 7,5 triệu đồng/tháng, khá cao so với mặt bằng chung của địa phương.

Và thật bất ngờ, tất cả công nhân của DN này đều được hưởng trọn vẹn 100% lương; phần đóng BHXH với mức 10,5%/tháng, công ty đóng thay.

Không phải chỉ được trả lương cao, được "bao" khoản phí BHXH, theo lời của công nhân: “Toàn bộ công nhân đều được ăn trưa miễn phí trong phòng máy lạnh của bếp ăn đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ăn ngon và no. Nơi nghỉ ngơi cũng có máy lạnh. Tan ca, ai cần mua gì thì ghé cửa hàng bách hóa và căng tin trong khuôn viên nhà máy, được giải quyết bán chịu với giá mềm hơn bên ngoài, tới kỳ lương mới thanh toán. Mỗi công nhân ở trọ được hỗ trợ 200.000 đồng/người/tháng. Công nhân nghỉ thai sản, còn được hỗ trợ thêm 3 tháng nguyên lương”.

Ông Phạm Văn Tứ thăm hỏi công nhân trước giờ lao động.

Chúng tôi thật sự cảm động khi được biết ông Tứ đã bỏ số tiền lớn để xây dựng nhà trẻ khang trang rồi thuê giáo viên giỏi đảm trách. “Nhà trẻ Thuận Phong rộng hơn 1.000m2 đã đi vào hoạt động từ hơn 2 năm nay. Nhà trẻ nhận hơn trăm trẻ từ 4 tháng đến 4 tuổi. Cha mẹ các cháu chỉ phải đóng góp tượng trưng 200.000 đồng/tháng; còn lại công ty lo toàn bộ với tổng chi phí khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Không chỉ vậy, chủ trương quan tâm đặc biệt công nhân của người chủ DN này còn được niêm yết công khai, tất cả người lao động đều biết. Cụ thể, công nhân có con đi học được trợ cấp 7 triệu đồng/năm/em cho bậc cao đẳng; 10 triệu đồng/năm/em cho bậc học đại học cho đến khi tốt nghiệp. Nếu đi học nước ngoài, công ty hỗ trợ 100%. Công nhân có hoàn cảnh khó khăn khi mắc bệnh hiểm nghèo, công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị. Hôm đến DN này, tôi được nghe kể về nữ công nhân N.T.H.T bị suy tủy, phải sang Singapore điều trị với chi phí gần 2 tỷ đồng, được DN hỗ trợ. Hơn chục trường hợp công nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, ông Tứ đã xây nhà tặng không kèm điều kiện nào cả.

Bỏ hàng trăm tỷ xây nhà cho công nhân ở miễn phí

Điều ông Tứ đang tâm huyết theo đuổi là xây nhiều căn hộ khang trang cho công nhân ở miễn phí, giúp họ thoát khỏi cảnh sống trong những căn phòng thuê chật hẹp. Nhắc đến dự án nhà máy chế biến trái cây có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng đang được tập trung xây dựng tại KCN Giao Long (Bến Tre), ông Tứ cho biết giai đoạn 1 đã hoạt động, với khoảng 500 công nhân; giai đoạn 2 đến đầu năm 2018 sẽ hoàn tất, tiếp nhận thêm khoảng 2.000 công nhân. Cạnh nhà máy này, ông đang tất bật thực hiện dự án nhà ở miễn phí cho công nhân với mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

“Mừng ở Bến Tre nhưng chưa vui trọn vẹn tại Tiền Giang”, ông Tứ cho biết và nói rằng đấy cũng là nguyên nhân khiến ông từng trăn trở, thao thức và cuối cùng ngồi viết “tâm thư” gửi Thủ tướng Chính phủ sau sự kiện Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng DN cả nước vào ngày 17-5 vừa qua.

Theo lời ông Tứ, từ cách nay 4 năm, ông đã xúc tiến dự án xây dựng khu nhà ở miễn phí cho công nhân ngay cạnh KCN Mỹ Tho – nơi ông đặt nhà máy Thuận Phong, với kinh phí dự trù khoảng 100 tỷ đồng. Mấy ngày trước, ông nhận được Quyết định số 459/QĐ-UBND “phê duyệt điều chỉnh cục bộ” đề ngày 13-3-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Theo văn bản này, phần đất dành để xây dựng nhà ở xã hội tại Khu dân cư Trung An (được quy hoạch hơn chục năm nay, nằm cạnh KCN Mỹ Tho, rộng khoảng 16ha - PV) giờ chỉ còn 1,1ha.

Người chủ DN nặng lòng với công nhân nghèo cho biết, ngày 20-11-2016, ông được yêu cầu DN lập bản vẽ thiết kế khu nhà ở miễn phí công nhân. “Theo yêu cầu này của lãnh đạo tỉnh, tôi đã trình bản vẽ thiết kế với 6 block nhà 5 tầng với tổng cộng 184 căn hộ, mỗi căn 90m2 cùng khu thể thao đa năng, nhà ăn tập thể, nhà để xe, công viên cây xanh… với nhu cầu đất là 1,949ha –  đúng diện tích đất tôi từng đề xuất 4 năm trước. Vậy mà….”, ông Tứ kể.

Nhắc lại lần lãnh đạo tỉnh khuyên ông nhận 1,1ha còn lại trong Khu dân cư Trung An để xây tòa nhà trên 10 tầng cho công nhân, ông Tứ chia sẻ: “Nhà năm tầng đã cao so với thói quen của người dân sông nước miền Tây rồi. Hơn nữa, nếu xây block nhà hơn 10 tầng, kinh phí sẽ vượt lên rất nhiều, chắc chắn lên đến vài trăm tỷ… Thương công nhân thật nhưng bỏ ra số tiền khá lớn tôi phải cân nhắc”.

Tại cuộc tiếp xúc với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang được tổ chức cuối tháng tư vừa rồi, ông Tứ tiếp tục đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho ông thuê đủ 1,949ha để thực hiện dự án.

“Tôi không nghĩ giấc mơ làm nhà miễn phí cho công nhân mà tôi ấp ủ bao nhiêu năm nay sẽ… tan thành mây khói. Không trực tiếp gặp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dịp rồi, tôi viết tâm thư gởi đến ông, thể hiện rõ mong muốn về dự án này. Tôi đang chờ sự phản hồi và rất kỳ vọng…”, ông Tứ bộc bạch.

Thái Bình
.
.
.