Lợi ích cục bộ cản trở quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Thứ Tư, 07/12/2016, 10:02
Dù số lượng doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giảm mạnh, từ hơn 12.000 DN khi cao điểm nhất, đến nay chỉ còn 718 DN, nhưng lượng vốn hóa lại rất thấp, mới chỉ đạt 2%. Điều này đồng nghĩa với việc chủ trương cổ phần hóa DNNN mới chỉ đạt về lượng, chưa thay đổi về chất. Đây là vấn đề trọng yếu đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh trong Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020 được tổ chức chiều 6-12.

Doanh nghiệp Nhà nước giảm mạnh về số lượng nhưng chưa thay đổi về chất

Tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng ban Thường trực Ban đổi mới DNNN cho biết: Sau 15 năm sắp xếp, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặt biệt là những DN có quy mô nhỏ, DN kém hiệu quả, DN ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Năm 2001, Nhà nước có khoảng 6.000 DNNN, đến năm 2011 chỉ còn 1.369 DNNN, và đến hết tháng 10-2016 chỉ còn 718 DNNN. Nếu thời điểm năm 2001, DNNN dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì đến nay chỉ còn tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực; đại đa số có quy mô vừa và lớn.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực DN (khoảng 0,67%), nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (28,8% so với DN ngoài Nhà nước là 11,8% và DN FDI là 17,9%).

Chủ trương cổ phần hóa DNNN mới chỉ đạt về lượng, chưa thay đổi về chất.

Tất nhiên, ở chiều ngược lại, DNNN cũng chiếm một lượng vốn lớn trong nền kinh tế: Tổng vốn chủ sở hữu tại DNNN hiện là 1,234 triệu tỷ đồng; Tổng tài sản là 3,105 triệu tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng lượng tài sản khổng lồ DNNN nắm giữ chưa phát huy hết được hiệu quả. Bên cạnh những DN có lãi như Mobifone, Viettel, EVN, vẫn còn nhiều DNNN hoạt động thua lỗ, đều là những cái tên “nổi tiếng” như Tổng Công ty hàng hải Việt Nam lỗ hơn 3.346 tỷ đồng; Tổng Công ty lương thực miền Nam lỗ gần 1.063 tỷ đồng, Tổng Công ty 15 - Bộ Quốc phòng lỗ hơn 718 tỷ đồng. 

Là một trong những Tập đoàn đã tiên phong trong CPH, ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã nêu nhiều kinh nghiệm “xương máu” rút ra được trong quá trình này. “CPH tại sao lại chậm, từ bản thân Vinatex, chúng tôi rút ra là không có quyết liệt nội tại, không có quyết tâm đổi mới và thiếu một chút tự giác thì dễ dẫn đến trì trệ”.

Ông Nghị cũng “rất thật" báo cáo Thủ tướng là những “ông chủ giả” quản lý vốn Nhà nước dễ hơn nhiều bỏ tiền ra mua cổ phần kinh doanh. Áp lực quản lý vốn Nhà nước chỉ dừng lại ở bảo toàn và phát triển vốn, mà quy định về bảo toàn và phát triển vốn cũng rất lạc hậu, chỉ cần không lỗ là vẫn tồn tại được, nên sinh ra tâm lý không cần quyết liệt CPH làm gì. Do đó, CPH chỉ hô hào thôi là chưa đủ. Chính phủ nên có những “đặc phái viên” ở DN để thúc đẩy quá trình này”.

Bên cạnh đó, ông Nghị cũng cảnh báo hiện tượng một số lãnh đạo DNNN “cố tình làm xấu đi, giấu bớt lợi thế để bán vốn Nhà nước với giá thấp phục vụ nhóm lợi ích. Do đó, Chính phủ cần có giám sát kỹ càng để tránh thất thoát”.

Quy mô khu vực DNNN phải nhỏ đi, nhưng hiệu quả phải cao hơn

Tại hội nghị CPH được nhận định đã mang lại nhiều tác động tích cực. Cụ thể, theo tổng hợp kết quả hoạt động của 350 DN sau CPH năm 2015 của Bộ Tài chính cho thấy so với trước khi CPH, lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp NS tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%...

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đã có nhiều chủ trương của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nhưng chưa làm được bao nhiêu, kể cả thoái vốn, CPH và sắp xếp lại. Mới thoái vốn được 5 lĩnh vực, đạt 42%; mới CPH số vốn được 8%, còn 92% nữa. Số lượng DNNN đã giảm đi, nhưng tỷ lệ CPH rất thấp, tức là cơ bản chúng ta chưa thay đổi được cơ cấu của DN để quản trị tốt hơn. CPH, sắp xếp lại DNNN đã chứng tỏ ích lợi rõ ràng, tôi nhấn mạnh như vậy để quyết tâm thực  hiện, để tạo điều kiện cho DN tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt hơn, CPH, tái cơ cấu góp phần phòng chống tham nhũng, vì nhiều cổ đông cùng giám sát vốn. Điều quan trọng nữa là chúng ta còn hơn 5 triệu tỷ đồng “chôn” ở đây, trong khi nợ công rất cao, cần huy động vốn xã hội vào đầu tư để tiền làm việc khác, nhất là đầu tư những công trình hạ tầng quan trọng. Huy động vốn xã hội đem lại tăng trưởng vẫn cao, nộp ngân sách vẫn tốt thì tại sao chúng ta không làm?”.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ trong CPH, ngoài việc thừa nhận nguyên nhân khách quan do vướng mắc thể chế và lĩnh trách nhiệm về Chính phủ, Thủ tướng khẳng định: “Cái mắc lớn nhất là lợi ích và động lực. Lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn với tiến trình CPH, chưa tạo được động lực thực sự với quá trình CPH, thoái vốn. Đề án chúng ta xây dựng đã chậm, phê duyệt cũng chậm, sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong hoàn thiện thể chế, một số chính sách chưa kịp thời, đồng bộ; chưa kể tư tưởng các bộ không muốn CPH, chậm CPH”.

Với những phân tích này, Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ lớn: Cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy CPH và tạo môi trường cạnh tranh cả đầu vào và đầu ra trong hoạt động của DNNN; khu vực DNNN phải nhỏ đi, nhưng từng DNNN phải mạnh hơn, hiệu quả phải cao hơn. Thứ ba là tái cơ cấu DNNN, giải phóng nguồn lực để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững hơn.

Về trách nhiệm của từng cá nhân, Thủ tướng cũng cảnh báo “Đừng để sân trước, sân sau; ông đưa chân giò, bà thò chai rượu. Tôi tuy rất bận rộn nhưng vẫn biết từng đồng chí như thế nào, các đồng chí đừng chủ quan”.

Vũ Hân
.
.
.