Lỗ hổng trong quản lý doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Thứ Hai, 13/03/2017, 09:28
Siết chặt công tác quản lý doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) là vấn đề được Bộ LĐ- TBXH nhắc đến nhiều lần. Nhưng thực tế, công tác này thời gian qua vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Điều này được thể hiện qua việc hàng loạt các sai phạm của doanh nghiệp được phát hiện trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.


Sai phạm nghiêm trọng vẫn được cấp đổi giấy phép

Mới đây, Bộ LĐ- TBXH chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước thu hồi giấy phép của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (CIENCO8).

Cụ thể, ngày 16-12-2016, Thanh tra Bộ LĐ- TBXH đã xử phạt CIENCO8 số tiền 120 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 tháng, do đã vi phạm các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Sai phạm của doanh nghiệp XKLĐ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động.

CIENCO8 đã có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng như: Không trực tiếp tuyển chọn lao động; thu tiền của người lao động không đúng quy định (thu tiền dịch vụ nhưng không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; không cấp phiếu thu cho người lao động; mức tiền dịch vụ không được ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đến ngày 27-12-2016, Thanh tra Bộ LĐ- TBXH đã ban hành Kết luận Thanh tra số 370/KL-TTr, trong đó yêu cầu Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 thực hiện các kiến nghị về việc hoàn thiện tổ chức bộ máy đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, và phải thực hiện đúng quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về việc trực tiếp tuyển chọn lao động và quy định về hợp đồng, tiền môi giới và tiền dịch vụ thu từ người lao động.

Tuy nhiên, đến ngày 14-2-2017, Thanh tra Bộ LĐ- TBXH tiếp tục ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTr về việc kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị theo kết luận thanh tra trước đó tại CIENCO8. Thế nhưng qua kiểm tra tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại công ty này vẫn chưa đảm bảo quy định (không có bộ phận theo dõi, quản lý lao động ngoài nước, không có trung tâm hoặc phòng nghiệp vụ xuất khẩu lao động); bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài không đảm bảo quy định (chưa có bộ phận đào tạo, quản lý học viên).

Trước những sai phạm tại doanh nghiệp này, Bộ trưởng Bộ LĐ- TBXH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước thực hiện các thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của CIENCO8 ngày 3-3-2017. Vậy nhưng điều bất ngờ nhất, đầu năm 2017 doanh nghiệp này vẫn được cấp đổi giấy phép để tiếp tục tuyển chọn, đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng.

Thông thoáng hay lỗ hổng?

Trao đổi với PV Báo CAND về công tác quản lý cấp đổi giấy phép của các doanh nghiệp XKLĐ, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo quy định của Luật thì bất cứ một doanh nghiệp nào muốn được cấp đổi lại giấy phép kinh doanh thì đều phải làm thủ tục đổi giấy phép.

Cũng theo quy định của Luật, các doanh nghiệp khi bị xử phạt hành chính, kể cả xử phạt có nội dung đình chỉ hoạt động thì cũng chỉ dừng tuyển chọn, đào tạo, đưa lao động đi, chứ không có nội dung không cho cấp đổi giấy phép. Cấp đổi xong, xảy ra sai phạm để phải thu hồi thì đó là câu chuyện khác.

“Đổi giấy phép thì chỉ cần nhìn hồ sơ, không cần phải đi kiểm tra. Việc này để tạo thông thoáng cho doanh nghiệp. Luật không quy định phải kiểm tra, nếu chúng tôi mà kiểm tra, doanh nghiệp sẽ kiện. Luật quy định thế nào thì chúng ta làm thế, đáp ứng đủ điều kiện thì chúng ta phải cấp, sau đó sẽ làm công tác hậu kiểm”, ông Nam nói.

Chỉ cần nhìn hồ sơ, không cần đi kiểm tra mà cấp đổi giấy phép, đây là việc tạo thông thoáng cho doanh nghiệp hay là lỗ hổng trong việc cấp đổi giấy phép? Phải chăng cũng từ quy định này mà phát sinh ra các sai phạm như trường hợp CIENCO8 vừa bị rút giấy phép? Điều đáng nói, trường hợp CIENCO8 hàng loạt sai phạm nghiêm trọng đã được Thanh tra Bộ LĐ- TBXH chỉ rõ, nhưng vẫn được cấp đổi giấy phép để tiếp tục tuyển chọn lao động đưa đi thì rõ ràng quy trình cấp phép có vấn đề.

Trả lời về trường hợp cụ thể của CIENCO8, ông Tống Hải Nam cho biết, CIENCO8 gửi hồ sơ xin cấp đổi giấy phép từ tháng 6-2016, vì hồ sơ chưa hoàn thiện nên phải chờ. “Đến 25-10-2016 thì họ hoàn thiện hồ sơ, trước thời điểm đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên thời điểm đó cũng không được cấp đổi giấy phép mới theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ- TB&XH để siết chặt công tác quản lý các doanh nghiệp XKLĐ. Và sang đầu năm 2017, được phép cấp đổi thì cấp đổi cho họ vì hồ sơ đầy đủ”, ông Tống Hải Nam cho biết.

Thực tế hoạt động XKLĐ là loại hình kinh doanh có điều kiện, do đó nhiều ý kiến cho rằng, khi cấp, đổi giấy phép cho doanh nghiệp thì phải nhìn vào điều kiện thực tế chứ không thể nhìn vào hồ sơ. Đại diện một doanh nghiệp XKLĐ cho rằng, việc chỉ nhìn hồ sơ để cấp phép rất dễ tới tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

“Liệu cơ quan quản lý có đủ năng lực để phân biệt hồ sơ thật, hồ sơ giả hay không? Những doanh nghiệp không có bộ máy, không tuyển chọn, đào tạo nhưng vẫn xin được cấp, đổi giấy phép thì rất dễ là những trường hợp “hoạt động ma”, để bán giấy phép, làm ảnh hưởng tới thị trường XKLĐ hiện nay”, vị đại diện này nói.

Phan Hoạt
.
.
.