Lên Tây Bắc, thả hồn cùng “đệ nhất trà” Shan Tuyết

Thứ Hai, 24/09/2018, 07:04
Chẳng biết xuất phát từ đâu, vào thời điểm nào? Song bấy lâu nay, nhiều người vẫn truyền tai nhau câu ca: “Mật ong Chế Là – trà ngon Cốc Rế”. Câu ca ấy muốn nói đến một loại chè mang thương hiệu Shan Tuyết được trồng và chế biến trên địa bàn huyện vùng cao Xín Mần (Hà Giang), trong đó có xã Cốc Rế.


Hoạt động chế biến, sản xuất chè Shan Tuyết không chỉ tạo nên một sản vật nơi đây, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm thiệu tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Từ quốc lộ 2, chúng tôi men theo con đường tỉnh lộ đèo dốc lên Xín Mần – huyện vùng biên, có độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển. Trên những ngọn núi cao, quanh năm sương mù bao phủ đã tạo nên một loại chè mang bản sắc riêng của vùng – đó là chè Shan Tuyết.

Theo các bậc cao niên nơi các chòm bản xã Cốc Rế, Chế Là…, không biết thương hiệu chè “Shan Tuyết” do ai đặt, song có lẽ cái tên đầy thi vị “chè Shan Tuyết” ấy tựa muốn nói đến loại chè được trồng trên những ngọn núi cao, thường xuyên bao phủ bởi một lớp mây mịn màng trắng như tuyết vậy. Loại chè này được hái từ những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng chục, thậm chí cả trăm năm nơi các xã phía Bắc huyện Xín Mần như: Cốc Rế, Thu Tà, Chế Là, Trung Thịnh, Chí Cà, Nấm Dẩn v.v…

Ngoài giờ lên nương, làm ruộng bậc thang, bà con các dân tộc Nùng, Dao, Mông…lại ngược ngàn, đếm từng mét đường lên núi để hái chè.

Hoạt động chế biến chè Shan Tuyết ở huyện Xín Mần góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.

Chè Shan Tuyết ở Xín Mần có những nét khác biệt so với các loại chè thông thường. Chè Shan Tuyết nơi đây thường có lá, búp to mọc từng chùm, lông tơ mịn bám đều trên búp. Anh Hoàng Đức Văn, người dân tộc Nùng, nhà ở xã Cốc Rế cho biết, người dân Cốc Rế nói riêng và Xín Mần nói chung thường thu hoạch chè vào các buổi sáng, mặt trời chưa lên khỏi núi, sương sớm còn đọng trên cọng lá. Bà con bản địa thường hái chè vào thời điểm này bởi chè lúc đó tỏa hương thơm ngào ngạt, hút được cái tinh túy của đất trời làm say người thưởng thức.

Đại úy Triệu Vàn Chiêm, Phó Đội trưởng Đội Công an Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh trật tự (Công an huyện Xín Mần) sinh ra và lớn lên Quảng Nguyên – một trong những xã có nhiều diện tích cây chè cổ thụ Shan Tuyết nhất ở huyện Xín Mần tự hào khi giới thiệu về sản phẩm chè Shan Tuyết.

Đại úy Chiêm bảo, thường thì búp chè sau khi được hát về, bà con thường đem luộc trên chảo gang ít phút rồi vò chè búp sao cho nó quăn lại. Kế đó, chè búp được đưa ra hong khô trước gió một thời gian, sau đó mới pha cùng nước sôi để uống. Đây là cách chế biến chè truyền thống thường thấy ở bà con các dân tộc Nùng, Dao, Mông… ở Xín Mần truyền nhau từ đời này qua đời khác. Với sự tinh khiết cây, lá, búp chè cũng như sự cầu kỳ trong việc sơ chế chè cả bà con nơi đây đã tạo ra một loại chè Shan Tuyết và được nhiều người nhắc đến với cái tên “đệ nhất trà” Tây Bắc.

Với tiềm năng và lợi thế của sản vật – chè Shan Tuyết, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư, đưa công nghệ tiên tiến vào trong hoạt động sản xuất, chế biến chè Shan Tuyết thành sản phẩm thượng hạng, không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo đánh giá của UBND huyện Xín Mần, đến nay cây chè Shan Tuyết không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo đối với bà con, thúc đẩy kinh tế - xã hội trong vùng, mà nó đã và đang giúp nhiều gia đình có của ăn của để. Nhãn hiệu chè Shan Tuyết Chế Là, Nà Trì, Quảng Nguyên, Cốc Rế… theo đó được hình thành.

Những ngày đầu tháng 9-2018, chúng tôi đến xã Nà Trì cách trung tâm huyện Xín Mần khoảng 40km. Nơi đây là có diện tích chè Shan Tuyết tương đối lớn với gần 600ha. Xã hiện có gần 100 hộ chế biến, sản xuất chè Shan Tuyết. Trong đó có những hợp tác xã quy mô.

Chúng tôi đến thăm Hợp tác xã Tuấn Băng ở phố Chợ (Nà Trì) đúng vào vụ chè, nên không khí làm việc ở đây khá khẩn trương. Trong xưởng sản xuất, chế biến chè Shan Tuyết có diện tích khoảng 3.500m2, hơn chục nhân viên đang tất bật với công việc đưa lá, búp chè vào máy sao, sàng, sấy. Chị Hoàng Thị Địch, người thôn Tân Sơn (Nà Trì) đã có 3 năm gắn bó với Hợp tác xã Tuấn Băng.

Chị Địch bảo, năm 2015 chị được nhận vào làm việc ở đây. Công việc chính của chị là đưa các mẻ lá, búp chè vào máy sàng. Hằng tháng, chị được nhận khoản tiền công từ 4-6 triệu đồng. Chị Băng – vợ anh Phan Thanh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Băng vừa dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng sản xuất chè của gia đình vừa cho biết, để năng suất chè Shan Tuyết thành phẩm cao, vừa qua, gia đình chị đã sắm thêm 2 chiếc máy sấy hiện đại có giá trên 1 tỷ đồng.

Nhờ đưa công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất cũng như với sự làm việc tích cực của hơn gần 30 lao động, có thời điểm, sau khi thu mua lá, búp chè từ bà con các thôn bản, mỗi ngày sản lượng chè Shan Tuyết thành phẩm xuất xưởng đạt tới 7 tấn/ngày.

Trò chuyện với chị Băng, chúng tôi được biết, vợ chồng chị Băng, anh Tuấn vốn là công nhân nhà máy chè ở tỉnh Tuyên Quang. Sau khi nắm bắt nhu cầu thị trường sử dụng chè cây cổ thụ, trong đó có chè Shan Tuyết, vợ chồng chị Băng, anh Tuấn đã lên Xín Mần lập nghiệp. Đến nay chè Shan Tuyết do Hợp tác xã Tuấn Băng chế biến đã và đang chiếm lĩnh thị trường.

Như để chứng minh cho chúng tôi thấy hương vị của “đệ nhất trà” – chè Shan Tuyết, chị Băng hãm cho chúng tôi một ấm chè. Nhấm ngụm chè dậy mùi hương thơm, chúng tôi chợt nhủ, dẫu còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng mong sao thương hiệu chè Shan Tuyết của vùng cao Xín Mần sẽ tiếp tục được nhiều người biết đến; thị trường tiêu thụ không chỉ dừng lại ở trong nước.

Thượng tá Lương Xuân Nghiêm, Phó trưởng Công an huyện Xín Mần hồ hởi cho biết, nhờ có hoạt động sản xuất, chế biến chè Shan Tuyết cung cấp ra thị trường, những năm qua, đời sống kinh tế của bà con các dân tộc huyện Xín Mần đã không ngừng đổi thay, thu thập bình quân đầu người tăng lên, tỷ lệ các hộ nghèo giảm mạnh. Đáng chú ý, nhờ có công ăn việc làm ổn định, tệ nạn xã hội theo đó được đẩy lùi, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.
Trần Huy
.
.
.