Để hạt gạo Việt hội nhập sâu rộng:

Kỳ cuối: “Cởi trói” cho hạt gạo

Thứ Sáu, 25/12/2015, 08:44
Hạt gạo Việt đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức to lớn, trong đó dễ nhận ra nhất là hiệu quả, khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt còn thấp; trong khi thu nhập của nông dân trồng lúa không tương xứng so với các tác nhân khác tham gia kinh doanh lúa gạo (thương lái, hàng xáo, DN).


Việt Nam hiện chiếm hơn 20% tổng lượng gạo xuất khẩu (XK) trên thế giới. Hạt gạo XK không những góp phần vào tăng trưởng kinh tế mà còn làm tăng vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế. Song, công tâm mà nói, hạt gạo Việt đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức to lớn, trong đó dễ nhận ra nhất là hiệu quả, khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt còn thấp; trong khi thu nhập của nông dân trồng lúa không tương xứng so với các tác nhân khác tham gia kinh doanh lúa gạo (thương lái, hàng xáo, DN).

Một trong những nguyên nhân quan trọng của các hạn chế trên – theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), là do thể chế và chính sách liên quan đến ngành lúa gạo thay đổi chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu khách quan đặt ra. 

Theo Nghị định 109/NĐ-CP/2010, DN muốn kinh doanh XK gạo phải đảm bảo ít nhất hai điều kiện cần: có ít nhất 1 kho chuyên dùng dự trữ tối thiểu 5.000 tấn lúa; sở hữu ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc với công suất tối thiểu là 10 tấn thóc/giờ tại tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa XK hoặc có cảng biển XK thóc, gạo. Nghị định này dẫn đến xu hướng loại bỏ các DN nhỏ, không đáp ứng đủ điều kiện kể trên mà không tính tới các DN XK có giá trị và chất lượng cao. 

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng để tạo một sân chơi bình đẳng trong hoạt động XK và tiêu thụ nội địa, cần tạo điều kiện khuyến khích các DN có làm cánh đồng lớn, có vùng nguyên liệu ổn định, có kho dự trữ đủ tiêu chuẩn về quy mô và kỹ thuật, có giá XK cao tham gia XK. Trong dài hạn, cần tính tới việc đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, hỗ trợ các DN làm ăn tốt đầu tư đổi mới trang thiết bị, xây dựng thương hiệu, chuyển hẳn từ buôn bán trao tay sang xây dựng hợp đồng đối tác đầu tư với các nhà nhập khẩu.

Nếu không tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hạt gạo Việt sẽ vuột mất cơ hội sau khi TPP được ký kết, có hiệu lực.

Đối với chính sách thuế, theo quy định hiện hành, gạo XK được áp thuế VAT 0% trong khi gạo sản xuất, tiêu dùng trong nước phải chịu mức thuế suất 5%. 

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, lượng gạo tiêu thụ trong thị trường nội địa bị áp thuế VAT 5% chỉ chiếm khoảng 15% lượng gạo sản xuất, phần còn lại qua kênh thương lái trôi nổi không chịu thuế. Điều đó dẫn đến việc các DN có đầu tư với nông dân làm gạo chất lượng cao cho thị trường nội địa thì phải trả thuế VAT đầy đủ, rất khó cạnh tranh với thương lái và các DN XK gạo chất lượng kém hơn. 

Để đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo, có ý kiến đề xuất hoặc là áp mức thuế VAT ở mức 0% đối với gạo XK và tiêu dùng trong nước; hoặc là giữ nguyên mức thuế VAT 5% đối với gạo tiêu dùng trong nước và áp thuế suất VAT 5% hoặc thu phí đối với gạo XK. Sử dụng phí thu được từ XK gạo để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kho chứa, triển khai nhân rộng mô hình cánh đồng lớn.

Đối với hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các chuyên gia cho rằng hoạt động của tổ chức này thời gian qua chưa theo định hướng thị trường. 

Theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP, VFA giữ vai trò điều hành quan trọng (giám sát đăng ký các hợp đồng XK của DN, có quyền phân bổ 80% khối lượng gạo XK theo hợp đồng Chính phủ (G2G) giữa các hội viên, công bố giá hướng dẫn (giá sàn) để các DN làm cơ sở đàm phán và ký kết hợp đồng, giám sát theo dõi tiến độ, tham gia vào quá trình thực hiện chương trình mua tạm trữ) và hoạt động như một cơ quan quản lý ngành hàng dựa trên các biện pháp hành chính là chủ yếu. Điều này đôi lúc đã làm cho thị trường lúa gạo của nước ta bị bóp méo, cứng nhắc, thiếu sự năng động đối với thị trường trong và ngoài nước.

Không phải chỉ VFA, câu chuyện của Tổng Công ty Lương thực (Vinafood) - DN vừa kinh doanh lúa gạo, vừa chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cũng có… vấn đề. Về hoạt động XK gạo, Vinafood thực hiện XK gạo theo hợp đồng Chính phủ. Khách hàng chính của hợp đồng Chính phủ là các thị trường nhập khẩu truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia. 

Các khách hàng này quan tâm đến giá rẻ, không đòi hỏi cao về chất lượng gạo. Do đó, Vinafood chủ yếu chú trọng quan hệ mua bán thương mại, chưa chú trọng đến liên kết phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng gạo như phát triển giống lúa, kiểm soát chất lượng và chia sẻ lợi ích với người nông dân. 

Còn thực hiện chính sách thu mua tạm trữ, Vinafood chủ yếu thu mua qua thương lái, sau đó doanh nghiệp thu mua lại từ thương lái. Thực tế hiệu quả của chính sách thu mua tạm trữ còn chưa cao bởi người được hưởng lợi từ chính sách này không phải là nông dân mà là các thương lái thu mua với giá rẻ và bán với giá cao.

Xin được kết thúc bài viết bằng phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại hội thảo quốc gia chủ đề “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội kết hợp tổ chức tại Bến Tre vào đầu tháng 12-2015: Theo xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt chuẩn bị ký kết TPP, Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nước nhà nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và nền nông nghiệp rất dễ bị “tổn thương”. 

Tuy nhiên, đã đến lúc không thể né tránh thách thức mà chúng ta buộc phải thích ứng, đối mặt với những thách thức này để có thể tồn tại, phát triển nền nông nghiệp bền vững hơn và cách tốt nhất là thực hiện có hiệu quả chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Thái Bình
.
.
.