Kinh doanh trực tuyến, doanh nghiệp đối mặt không ít thách thức

Chủ Nhật, 03/07/2016, 08:17
“Thương mại điện tử (TMĐT) và bán hàng trực tuyến ở Việt Nam rất tiềm năng nhưng chưa thật sự bùng nổ.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của nền kinh tế tiền mặt, độ an toàn thanh toán và chưa tin tưởng vào các thương hiệu sản phẩm nên người tiêu dùng (NTD) chỉ đặt hàng online và thanh toán bằng tiền mặt cho người giao hàng sau khi đã kiểm tra sản phẩm.

Đó là sự thất bại cho TMĐT Việt Nam”, TS Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định tại hội thảo “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và thách thức” trong khuôn khổ triển lãm quốc tế ngành bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu 2016”.

Đại diện một thương hiệu thời trang online có trụ sở tại quận 7, TP Hồ Chí Minh chuyên bán hàng qua mạng cho biết, mặc dù đã kinh doanh trực tuyến ngành hàng này hơn một năm nay, nhưng DN vẫn cứ loay hoay vì liên tục phải đối mặt với những khó khăn.

Khó khăn lớn nhất đó là do phần lớn NTD có tâm lý không tin tưởng chất lượng, mẫu mã sản phẩm khi mua qua mạng nên DN buộc phải thay đổi phương thức giao hàng. Nếu như trước đây, DN áp dụng phương thức thanh toán trước khi mở sản phẩm (cũng là phương thức chung của các DN bán hàng online) thì nay DN chấp nhận cho khách khui sản phẩm ra xem trước khi thanh toán.

Áp dụng phương thức này, DN chấp nhận rủi ro cao vì khả năng khách hàng đổi trả hàng ngay khi sản phẩm vừa giao tới.

Với những trường hợp, khách đổi hàng vì lý do không vừa size (kích cỡ) thì DN buộc phải trả 3 lần phí vận chuyển (phí gửi hàng đi, phí hoàn hàng về và phí gửi đổi sản phẩm khác) thay vì chỉ mất 1 lần phí giao hàng như bán hàng online thông thường.

Mua sắm online sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Khó khăn tiếp theo, đó là khi uy tín của DN bắt đầu được NTD biết đến, tin tưởng, thì cũng là lúc nạn hàng giả xuất hiện. Vì thông tin của khách hàng đặt mua hàng trực tuyến là thông tin mở, cộng đồng người dùng đều nhìn thấy nên lợi dụng việc này, một số đối tượng đã ăn cắp thông tin khách đặt mua hàng của DN trên trang mạng, sau đó vội “chuyể

n phát nhanh” sản phẩm đến giao khách hàng để thu tiền trước khi DN giao hàng cho khách. “Có một số khách hàng kỹ lưỡng thì vạch mặt các đối tượng lừa đảo ngay sau khi nhận và khui hàng. Nhưng cũng có nhiều trường hợp khách hàng vì tin tưởng DN nên nhận hàng, thanh toán xong, khi mở sản phẩm ra thì mới phát hiện mình bị lừa. Mặc dù DN cũng đã có giải pháp khắc phục, nhưng uy tín của DN cũng ít nhiều đã bị ảnh hưởng, doanh thu giảm sút nghiêm trọng”, đại diện DN cho biết.

Từ trường hợp điển hình của DN trên có thể lý giải phần nào lý do tại sao bán hàng trực tuyến ở Việt Nam rất tiềm năng nhưng chưa thật sự bùng nổ. DN rất ngại đầu tư khi kinh doanh online. 

Trong khi đó, việc ứng dụng mạng internet trong kinh doanh online hiện rất đa dạng không chỉ trên Facebook, website mà trên nhiều công cụ như Google, Twitter, Youtube, Email, tin nhắn SMS…

Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thì việc kinh doanh trực tuyến rất được nhiều người lựa chọn để khởi nghiệp. Bởi, một trong những yếu tố giúp kinh doanh online thành công đó là dựa vào tính cộng đồng, cộng đồng càng lớn thì cơ hội bán được hàng càng cao. Đây chính là ưu điểm vượt trội của kinh doanh trực tuyến so với kinh doanh truyền thống và cũng là xu hướng bùng nổ kinh doanh trong tương lai.

Tuy nhiên, để thành công trong lĩnh vực này không phải là chuyện dễ. Ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Công ty tư vấn The Pathfinder cho rằng, việc kinh doanh trực tuyến gặp không ít thách thức, nhưng điều quan trọng là người kinh doanh phải tận dụng tối đa các công cụ trực tuyến, phát huy khả năng của mình và kiên trì thì hiệu quả sẽ đạt được rất lớn. Người thành công là người biết nghiên cứu về hành vi của khách hàng, từ đó tung ra những chiến lược thích hợp.

T. Hà
.
.
.