Kiến nghị tăng phí “cứu” nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp vận tải phản đối

Thứ Năm, 14/05/2020, 09:40
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông BOT được tăng phí, thay vì Nhà nước phải bỏ ra hơn 5.000 tỷ đồng hỗ trợ. Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức nhận được sự phản đối của không ít doanh nghiệp vận tải.


Tăng phí để không phải bố trí ngân sách

Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở rà soát số liệu đến hết năm 2019, Bộ GTVT đã báo cáo có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Trong đó, có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13 - 15% và 3 dự án chưa được thu, đang tạm dừng thu. 

Cũng theo Bộ GTVT, những khó khăn, vướng mắc cũ chưa được giải quyết, từ đầu năm 2020 dịch COVID-19 xuất hiện tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. 

Trong đó, các doanh nghiệp BOT tiếp tục bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến doanh thu giảm, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. 

Qua tổng hợp số liệu thống kê các doanh nghiệp BOT, có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo.

Doanh nghiệp vận tải không đồng tình với việc tăng phí qua trạm BOT thời điểm này.

Trước những khó khăn phát sinh, các doanh nghiệp BOT đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tập trung vào các nội dung như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ, không chuyển các doanh nghiệp BOT sang nhóm nợ xấu. Giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2019 và 2020. Miễn, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch bệnh COVID-19. 

Về mức thu phí, Bộ GTVT kiến nghị 2 phương án. 

Trong đó, phương án 1: Cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí (khi cần thiết). 

Phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022; Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. 

Trên cơ sở phân tích cụ thể ưu, nhược điểm các phương án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách nhà nước. 

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng, giao Bộ GTVT tính toán kinh phí Nhà nước cần thiết để hỗ trợ các dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với doanh thu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký và các dự án chưa được thu phí. Trường hợp cần thiết, đề xuất để Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án.

Nếu tăng, nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ “chết hẳn”

Bày tỏ về các phương án của Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc đề xuất tăng phí BOT vào thời điểm này là không phù hợp, vì các doanh nghiệp vận tải cũng đang rất khó khăn sau đại dịch. Đến nay, các doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động trở lại nhưng lượng khách, hàng hóa cũng ít, tần suất chạy thấp. Do vậy, Bộ GTVT nên thận trọng trong việc đề xuất tăng phí một loạt trạm BOT vào thời điểm này. Cùng đó, cũng phải tính đến từng tuyến BOT vì một số tuyến độc đạo, các phương tiện không có lựa chọn khác cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi điều chỉnh tăng phí. Còn đối với những dự án có tuyến song hành, doanh nghiệp vận tải có quyền lựa chọn thì cũng có thể điều chỉnh. Cần phải xem xét trên nhiều góc độ, nhiều khía cạnh để đưa ra quyết định phù hợp.

Còn ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng, tần suất hoạt động vận tải, lượng khách còn đang sụt giảm lớn, rất nhiều doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng. Như tuyến vận tải khách Hà Nội-Hải Phòng, lượng khách hiện chỉ đạt 40% so với trước kia. Hiện tại, chi phí cầu đường, phí BOT đã đang gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải nếu tăng phí BOT để cứu vãn nhà đầu tư thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp khác. 

Theo ông Hải, phí BOT đang là chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải (chiếm khoảng 40% chi phí). Đơn cử doanh thu một chuyến xe khách đạt 1 triệu đồng thì phí BOT chiếm tới 400.000 đồng. Công ty CP Vận tải, Thương mại và dịch vụ Đất Cảng đến nay cũng mới khai thác được 50-60% số xe hiện có. Trong khi dự báo, vận tải khách phải hết 2021 mới có thể phục hồi như năm 2019. 

“Trong thời điểm khó khăn này, Nhà nước không nên tăng phí BOT và thời điểm điều chỉnh tăng là không phù hợp. Nếu cần thiết phải điều chỉnh để cứu nhà đầu tư thì phải có lộ trình, thời gian phù hợp khi mọi hoạt động lưu thông hàng hóa đi lại bình thường và kinh tế xã hội phục hồi”, ông Hải kiến nghị.

Cùng chung quan điểm này, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) cho biết, các doanh nghiệp vận tải cũng như Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ xem xét miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phí BOT để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Trong khi, doanh nghiệp còn chưa được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ thì nay Bộ GTVT lại kiến nghị cho phép tăng phí đường bộ một loạt các trạm BOT trên cả nước. 

“Chưa giảm cho doanh nghiệp vận tải được một đồng nào để hỗ trợ khó khăn, doanh nghiệp vận tải khách như chúng tôi còn đang “sống dở chết dở” thì nay lại tăng phí thì có khi chết hẳn”- ông Bằng bày tỏ. 

Cũng theo ông Bằng, việc tăng phí qua các trạm BOT là lộ trình theo hợp đồng, về lý thì đúng nhưng về tình, vào thời điểm tất cả các doanh nghiệp còn đang “thoi thóp” do dịch bệnh thì việc tăng phí BOT một loạt các trạm là rất phản cảm, không hợp tình. 

Dẫn chứng như Công ty Minh Thành Phát hiện nay, ông Bằng cho hay, đến nay mới chỉ hoạt động được khoảng 40% số xe của doanh nghiệp đang có, và số khách cũng chỉ khoảng 30-40% so với trước đây. Số xe còn lại đang nằm đắp chiếu. Đây không chỉ là tình trạng của riêng Công ty Minh Thành Phát mà của tất cả các doanh nghiệp vận tải khách hiện nay.

Phạm Huyền
.
.
.