Không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Thứ Năm, 06/08/2020, 08:46
Ngày 5/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tiến hành phiên họp thứ hai để bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng 2021. Tuy nhiên, tại phiên họp này, các thành viên đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN), bên đại diện cho người lao động không tham gia bỏ phiếu do không đồng thuận với các đề xuất của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Phiên họp thứ hai kết thúc với 9/13 thành viên hội đồng đồng thuận không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.


Không tăng vì sức khỏe của doanh nghiệp

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - phía đại diện doanh nghiệp) thì thời điểm 6 tháng đầu năm 2020 chưa phải là đỉnh điểm của tình trạng thất nghiệp do các doanh nghiệp vẫn túc tắc duy trì đơn hàng cũ. Tuy nhiên hiện tại, dịch tái bùng phát đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tác động lớn đến vấn đề lao động việc làm của người lao động. 

9/13 thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.

Theo ông Phòng, những ngành thâm dụng lao động như: dệt may, da giày… đang là những ngành "ngấm đòn" nặng nề nhất hiện nay. Bởi thiếu đơn hàng, thiếu cả đầu vào nguyên liệu. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn lại đang tắc, dẫn đến việc hàng có sản xuất ra cũng không xuất khẩu được. Ông Phòng cho rằng, doanh nghiệp hiện tại khó khăn chồng chất, việc giữ vững việc làm hiện tại cho người lao động vô cùng khó khăn. 

“Chúng ta cũng đang phải triển khai các gói hỗ trợ giải cứu doanh nghiệp thoát khỏi giai đoạn bĩ cực này. Doanh nghiệp không khỏe thì cũng không thể lo công ăn việc làm cho người lao động được. Chính vì thế, việc tăng lương tối thiểu vùng 2021 trong bối cảnh hiện nay là không nên. Người lao động cần cảm thông, chia sẻ với doanh nghiệp để chúng ta cùng vượt qua đại dịch, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Hy vọng trong thời gian tới, khi tình hình chuyển biến tốt hơn, chúng ta tính đến chuyện điều chỉnh cho phù hợp”, ông Phòng phân tích.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Thanh nhận định, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, khó khăn cả nguyên liệu đầu vào lẫn sản phẩm đầu ra khó tiêu thụ. 

Sau khi nghe 13 ý kiến, lập luận của các thành viên hội đồng, đại diện cho người lao động, doanh nghiệp, các cục, vụ, hiệp hội, Thứ trưởng Lê Thanh cho rằng, năm 2021 sẽ không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng theo tháng và cũng không điều chỉnh lương tối thiểu theo giờ. 

“Thực tế các doanh nghiệp rất khó khăn, cần phải chia sẻ, chung tay. Hiện, khối cán bộ, công chức, viên chức nhà nước năm 2021 cũng sẽ không tăng lương cơ sở nên việc tăng lương tối thiểu năm 2021 cần hoãn lại, không thực hiện tăng lương tối thiểu vùng”, Thứ trưởng Lê Thanh nói.

Tại phiên họp, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu để có ý kiến về những kiến nghị tới Chính phủ. Hai nội dung bỏ phiếu, gồm: Không điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021 và chưa áp dụng việc tính lương tối thiểu theo giờ. Sau đó, Hội đồng Tiền lương đã bỏ phiếu thông qua 2 đề xuất. Các thành viên đại diện Tổng LĐLĐVN không tham gia bỏ phiếu, có 9/13 đồng thuận với các đề xuất này.

Các dự báo chưa có cơ sở đầy đủ?

Đề cập đến việc không bỏ phiếu những phương án mà Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cho biết, phía Tổng LĐLĐVN đã đề xuất việc chưa bàn đến việc tăng lương tối thiểu vùng thời điểm này, mà nên lùi đến thời điểm đầu năm 2021. 

Theo ông Quảng, tình hình thực tế của doanh nghiệp khó khăn là điều mà người lao động sẵn sàng chia sẻ. Tuy nhiên, việc có điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 2021 hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có các dự báo nhưng các dự báo này chưa có cơ sở đầy đủ.

Lập luận việc các dự báo này chưa có cơ sở đầy đủ, ông Quảng dẫn chứng, trường hợp dịch COVID-19 được kiểm soát, điều kiện kinh tế - xã hội được khắc phục thì "sức khỏe" doanh nghiệp sẽ tươi sáng hơn. Đơn cử như trong đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4-2020, Đà Nẵng là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giãn cách, Đà Nẵng đã nhanh chóng khôi phục tình hình kinh tế. Theo thống kê có 82.000 người Hà Nội vào Đà Nẵng học tập, du lịch thời gian qua và có 30.000 người từ TP Hồ Chí Minh vào Đà Nẵng, chưa kể các tỉnh, thành khác. 

"Các cơ sở lưu trú chỉ cần sử dụng 65% công suất đã đảm bảo có lãi, các dịch vụ khác cũng sẽ phục hồi nhanh. Sức khỏe doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả COVID-19", ông Quảng phân tích. 

Phía Tổng LĐLĐVN cho rằng cần có sự nhìn nhận khách quan với các dữ liệu đưa ra. Chẳng hạn như con số người lao động thất nghiệp tăng thì thực tế qua các năm đều tăng, riêng năm 2020 thì tình hình khó khăn hơn chứ không phải chỉ đến năm nay mới tăng. Từ đó, phía Tổng LĐLĐVN đề xuất chưa bàn đến việc điều chỉnh mức lương tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 ở thời điểm này.

Phan Hoạt
.
.
.