Agribank Yên Khánh (Ninh Bình):

Hơn 6 vạn lượt hộ dân được vay 894 tỷ đồng phát triển sản xuất

Thứ Ba, 06/12/2016, 09:06
Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Yên Khánh (Agribank Yên Khánh) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp huy động nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư cho nền kinh tế. Trong đó, trọng tâm là đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn gắn với việc thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Có mặt tại trụ sở Agribank Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), chúng tôi chứng kiến có đông bà con tới trụ sở để làm thủ tục vay vốn, hỗ trợ tăng gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Ông Phạm Vương Đức Anh, Giám đốc Agribank Yên Khánh cho biết, thời gian qua, Agribank Yên Khánh đã chủ động tham mưu, tư vấn và phối hợp với các đơn vị liên quan ký và ban hành các thỏa thuận liên tịch với các tổ chức hội, đoàn thể chính trị xã hội; thành lập các tổ vay vốn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân vay vốn. 

Cán bộ Agribank Yên Khánh thăm hỏi một hộ dân trồng nấm ở xã Khánh Vân.

Đặc biệt, kể từ khi Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 được thay thế bởi Nghị định 55/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Yên Khánh đã khẩn trương triển khai thực hiện, quan tâm đầu tư cho vay, rút ngắn thời gian thẩm định dự án, phương án; đơn giản thủ tục và đa dạng hóa hình thức cho vay nhằm đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; không để tình trạng khách hàng có đủ điều kiện vay mà không được tiếp cận được nguồn vốn phát sinh. 

Cùng với đó, Agribank Yên Khánh cũng quán triệt tới toàn bộ cán bộ, công nhân viên của chi nhánh phải luôn tận tụy hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để bà con vay vốn.

Nhờ đó, qua 5 năm triển khai thực hiện, từ năm 2011 đến hết tháng 6-2016, tổng nguồn vốn huy động đạt 894 tỷ đồng, tổng dư nợ là 723 tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng ổn định qua các năm (năm 2011 chiếm mới tỷ trọng 70%; cho đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 95%). 

Riêng 6 tháng đầu năm 2016, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 615 tỷ đồng, tăng 274 tỷ đồng so với năm 2011, doanh số cho vay lũy kế từ năm 2011 đến năm 2015 là: 4.028 tỷ đồng với 63.670 lượt hộ vay, chiếm tỷ lệ 98% trên tổng dư nợ cho vay tại chi nhánh. Trong đó, dư nợ cho vay thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, tổ liên kết, tổ vay vốn là 380 tỷ đồng, với 165 tổ nhóm vay vốn, số lượng khách hàng dư nợ là 4.298 khách hàng (chiếm tỷ lệ 53% tổng dư nợ cho vay tại chi nhánh).

Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở huyện Yên Khánh đã tạo ra nhiều cơ hội để các hộ gia đình, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo cơ chế ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động trong nông nghiệp do tính chất thời vụ. 

Từ đó, giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tại xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, ông Phạm Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nấm Khánh Vân hồ hởi cho biết, toàn xã có 14 hộ với hơn 50 lao động trồng nấm (nấm linh chi, nấm rơm, sò…). Nhờ sự tạo điều kiện của Agribank Yên Khánh, nên thời gian qua, các hộ trồng nấm trên địa bàn đã vay hơn 1 tỷ đồng từ ngân hàng. 

Với nguồn vốn vay này, bà con đã đầu tư thêm trang thiết bị, mua giống cũng như nâng cao chất lượng trồng nấm, qua đó, từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, mở rộng thị trường. Tăng thêm thu nhập cho bà con. Bình quân, mỗi năm các hộ trồng nấm trong Hợp tác xã Nấm Khánh Vân đạt lợi nhuận trên dưới 300 triệu đồng.

Theo đại diện Agribank Yên Khánh, thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục đầu tư và chuyển hướng dần từ đầu tư nhỏ lẻ sang đầu tư cho vay theo nhóm liên kết, khép kín giữa 3 nhà (ngân hàng, doanh nghiệp và nhà nông); cho vay theo từng loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi, cho vay theo hạn mức tín dụng quy mô nhỏ đối với hộ gia đình. Đồng thời, đẩy mạnh cho vay theo mô hình chuỗi liên kết giá trị từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Cán bộ Agribank Yên Khánh thăm hỏi một hộ dân trồng nấm ở xã Khánh Vân.
Diễm Lệ
.
.
.