Hội nghị phát triển bền vững ngành Cà phê Việt Nam

Thứ Tư, 11/03/2015, 14:52
Ngày 11/3, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đã phối hợp cùng với tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững ngành Cà phê Việt Nam. Ông Cao Đức Phát, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, báo cáo tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành về cà phê trong, ngoài nước đều tập trung hướng tới việc đề xuất các cơ chế, chính sách, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, phát triển cà phê theo hướng bền vững, từng bước khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của Cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu khai mạc hội thảo.

Hiện nay, cả nước có trên 620.000ha cà phê, với sản lượng mỗi năm trên 1,6 triệu tấn cà phê nhân, giá trị xuất khẩu đạt 3,55 tỷ USD. Cà phê Việt Nam được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành nước có sản lượng cà phê xuất khẩu xếp hàng thứ hai trên thế giới và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê Robusta.

Hàng năm, ngành cà phê cả nước không những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước (chiếm khoảng 2% GDP) mà còn là nguồn thu chủ yếu của 540.000 hộ gia đình nông dân trồng cà phê, với trên 1,6 triệu lao động góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, xã hội, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, nơi chiếm trên 90% diện tích cà phê của cả nước.

Quang cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, việc sản xuất và xuất khẩu cà phê của cả nước luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn như: Quy mô phát triển chưa ổn định, diện tích phát triển ngoài quy hoạch khá lớn; diện tích cây cà phê già cỗi, quá niên hạn khai thác (trên 20 năm) chiếm tỷ lệ cao (khoảng 86.000ha, chiếm 15% tổng diện tích); công tác quản lý chất lượng cà phê còn nhiều hạn chế; chưa hình thành các tổ chức liên kết trong sản xuất, nhất là trong sản xuất nông hộ, thiếu sự điều phối giữa các tác nhân trong ngành; công nghiệp chế biến cà phê nhân còn phân tán và khá tùy tiện (trên 80% lượng cà phê làm ra được chế biến trong các hộ gia đình bằng những công nghệ đơn giản, phơi khô tùy tiện, xay xát bằng những máy xay không đảm bảo kỹ thuật nên chất lượng còn thấp)… Đặc biệt, ngành cà phê Việt Nam còn bị động trước những thay đổi của thị trường.

Văn Thành
.
.
.