'Hội chứng' thiếu doanh nghiệp cỡ vừa và những hệ lụy

Thứ Tư, 04/02/2015, 23:25
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số 500.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Việt Nam, các DN có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2%, DN quy mô vừa cũng chỉ khoảng 2-3%, 95-96% số DN còn lại thuộc quy mô nhỏ và siêu nhỏ.


Sự mất cân đối trong cơ cấu DN, đã khiến cho nền kinh tế đang đứng trước “hội chứng” thiếu DN cỡ vừa, hạn chế khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, bởi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, chỉ có DN quy mô cỡ vừa và lớn mới có đủ sức tham gia kết nối hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, chỉ có DN  vừa và lớn mới kết nối hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo phân tích của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khái niệm thiếu DN cỡ vừa, nhằm đề cập đến vấn đề thiếu các DN khu vực tư nhân Việt Nam có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng giá trị gia tăng nội địa, khắc phục phân mảng trong cung ứng.

Cơ cấu các kinh tế được cho là hiệu quả, cân đối thường được thiết kế theo hình kim tháp, trong khi đó cơ cấu kinh tế Việt Nam chỉ với 2% DN quy mô lớn, 2-3% DN cỡ vừa và 95-96% DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ lại là đáy lớn, chóp nhỏ, cơ thể DN không cân đối. Các DN nhỏ, cực nhỏ thì khó có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Điều này lý giải vì sao các DN FDI vào Việt Nam, khi họ tổ chức các mô hình sản xuất, láp ráp tại Việt Nam, thì họ tồn tại như một “ốc đảo” trong nền kinh tế. Không có sức lan tỏa, giá trị gia tăng từ đầu tư FDI không lớn cho nền kinh tế Việt Nam, khi DN Việt Nam không thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của họ, để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tế cho thấy, nếu không bị thiếu những DN cỡ vừa này, thì Việt Nam sẽ hoạt động hiệu quả hơn trên thị trường xuất khẩu. Rủi ro ở đây là nhà đầu tư tiềm năng sẽ không đến Việt Nam. Vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, khi chi phí nhân công-yếu tố chính thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam - đang tăng lên.

 Không giống các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, thị trường nội địa của Việt Nam không đủ lớn để hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, vì thế mục tiêu của Việt Nam là nên thu hút các DN đang tìm kiếm trung tâm sản xuất cho cả khu vực. Tuy nhiên, về mặt này, chúng ta đang kém xa các nước phát triển trong khu vực, khi số DN có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của Malaysia là 46%; Thái Lan là 30%, trong khi đó Việt Nam chỉ có khoảng 21%.

Do đó, để duy trì năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần có các DN mạnh trong ngành công nghiệp hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư, trong khi đó, các DN mạnh không thể là DN nhỏ, mà phải là DN cỡ lớn và vừa. Tuy nhiên, xây dựng được 1 DN lớn mất rất nhiều nguồn lực và thời gian. Vì thế, chúng ta không có lựa chọn nào khác, ngoài việc phải xây dựng đội ngũ DN cỡ vừa, để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, mới đây, Quốc hội đã có quyết định bổ sung ngành công nghiệp hỗ trợ vào danh mục các  ngành được ưu đãi thuế. Tuy muộn mằn nhưng là tín hiệu tốt. Bằng cách này, chúng ta có thể hỗ trợ các DN nhỏ và vừa có thể lớn lên, đủ sức để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.

Huyền Thanh
.
.
.