Hết chi phí cao, doanh nghiệp lại kêu trời về thủ tục

Chủ Nhật, 22/05/2016, 08:41
Không chỉ chi phí tăng khiến các doanh nghiệp (DN) khó khăn và rất nhiều trong số đó phải rời bỏ thị trường, các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh cũng đang bị doanh nghiệp ca thán nhiều.

Thủ tục chưa thôi “hành” doanh nghiệp

Tại cuộc họp của Văn phòng Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19 về tháo gỡ khó khăn cho DN, Tổng Công ty May Nhà Bè đã gửi một văn bản vô cùng bức xúc kiến nghị về quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và các amin thơm trong vải nhập khẩu gây khó khăn và tốn thêm chi phí không đáng có cho DN.

“Chúng tôi rất cần có sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành quản lý Nhà nước, tạo điều kiện tối đa để DN không bị làm khổ, làm khó. Thông tư 32/2009 Bộ Công Thương ban hành đã tồn tại nhiều năm nay, đã có trên 10 văn bản kiến nghị gửi tới các cơ quan, ban ngành cũng như trình bày trực tiếp tại nhiều hội thảo, hội nghị nhưng Thông tư ban hành sau (Thông tư 37/2015) không những không gỡ khó mà còn gây khó khăn, phiền nhiễu hơn nữa” – kiến nghị nêu rõ.

Đại diện Công ty May Nhà Bè cho rằng, việc tuân thủ theo thông tư này không những làm cho DN tốn thêm thời gian thông quan vì phải chờ kết quả giám định, mà còn tốn thêm một chi phí không hề nhỏ ở mức 2,035 triệu đồng/1 mẫu vải.

“Đây thực sự là một chi phí bất hợp lý khi tổng chi phí để vận chuyển một lô nguyên liệu về, các loại phí phải nộp cho đại lý tàu biển chỉ là 35 USD/mẫu thì phí cho kiểm định lên tới 100 USD/mẫu. Các lô hàng nhập khẩu về làm mẫu, số lượng một lô có khi chỉ 5 – 10m vải, giá trị thực rất nhỏ, chỉ chừng 5 – 10 USD, nhưng vẫn phải bắt buộc đi kiểm định formaldehyt và Azodyer với chi phí thêm 100 USD” - kiến nghị nêu rõ.

Công ty May Nhà Bè cho rằng, thông tư trước đây đã là một minh chứng cho làm khó DN và đội giá sản phẩm, thì thông tư này còn làm khó cho DN cả với những lô hàng nhỏ lẻ. “Bằng công văn này, thêm một lần nữa, Tổng Công ty May Nhà Bè tiếp tục kêu cứu tới Thủ tướng, Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt may xem xét việc đồng hành cùng DN ở chỗ nào khi các văn bản, kiến nghị gửi lên hoài không được tháo gỡ, văn bản ra sau còn cột chặt hơn văn bản ra trước” – DN bức xúc.

Cũng tương tự về việc thủ tục rườm rà, đại diện Công ty Cổ phần Viettronics Tân Bình kiến nghị về việc thực hiện Quy định dán nhãn năng lượng. “Công ty chúng tôi sản xuất lắp ráp các thiết bị điện tử dân dụng là LED TV, tủ lạnh, màn hình máy tính… là những sản phẩm cần thực hiện quy định về dán nhãn năng lượng và chúng tôi luôn luôn chấp hành qui trình. Làm tất cả các công đoạn mất 50 ngày, chi phí thử nghiệm Hiệu suất năng lượng cho một kiểu máy tivi là 3,15 triệu đồng, cho một kiểu máy tủ lạnh là 7,5 triệu đồng đến 15,75 triệu đồng… là không lớn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, như hiện tại chỉ có một nơi thử nghiệm là Trung tâm 3 (Biên Hòa - Đồng Nai) nên xảy ra tình trạng quá tải khi nhiều mẫu đo kiểm cùng thời điểm, thời gian thử nghiệm kéo dài; hồ sơ đăng ký phải gửi ra Bộ Công Thương vì không có cơ quan đại diện của Bộ hay văn phòng năng lượng tại TP Hồ Chí Minh; thời gian hiệu lực của quyết định ngắn (1 năm) nên phải gia hạn liên tục…

Cần nhiều quyết tâm hơn của các Bộ để có thể cải thiện điều kiện kinh doanh.

Doanh nghiệp phải là “trái tim của cuộc cải cách”

Đây là từ mà TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) sử dụng khi nói về những việc cần làm để đạt mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới. Theo TS Nguyễn Đức Thành, “không gian” cho DN vẫn còn quá hẹp và giao quá nhiều quyền cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo Luật Đầu tư, các Bộ không được tự đặt ra các điều kiện kinh doanh, phục vụ lợi ích của ông từ 1-7-2015, rồi các điều kiện đã được ban hành trước đó sẽ hết hiệu lực và bị hủy bỏ từ 1-7-2016. Tuy nhiên, cùng với Luật Đầu tư có 7 luật khác được ban hành, thì trong cả 7 luật đó có những điều khoản quy định giao cho ông Bộ trưởng ban hành những điều kiện cụ thể. Một chuyên gia kinh tế còn cho rằng, đây dường như là một “âm mưu” khi các Bộ mất thẩm quyền ở Luật Đầu tư, thì cài thẩm quyền vào luật khác. 

“Thể chế đã vô hiệu hóa một phần cải cách của luật đầu tư, mà khi đã vô hiệu hóa 1 phần rồi, nó có nguy cơ bị vô hiệu hóa toàn phần” – vị chuyên gia này nhấn mạnh. Thêm vào đó, việc định nghĩa thế nào là điều kiện kinh doanh cũng là vấn đề, các Bộ có thể cãi lý rằng tôi không ban hành điều kiện kinh doanh, tôi chỉ ban hành chứng chỉ hành nghề, khó có thể phân biệt cho rõ.

 “Nhưng với một tâm thế muốn cải cách, muốn thay đổi thì chẳng có gì là câu chuyện cả. Về mặt pháp lý, khái niệm có thể không rõ ràng, nhưng về mặt khoa học thì rất rõ” - TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh. 

“Nếu các Bộ có rà soát điều kiện kinh doanh, nhưng chỉ ở mức tập hợp lại các quy định ở các thông tư chứ chưa đánh giá tính hợp lý, cần thiết, tính hiệu quả, hiệu lực và đặc biệt là tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN để từ đó mà cải cách, thì chỉ là nâng cấp cơ học từ thông tư lên nghị định, không thay đổi về chất lượng. Tôi rất ngại nguy cơ nâng cấp cơ học” – TS Nguyễn Đình Cung băn khoăn. 

“Ở đây, vai trò của các Bộ trưởng rất quan trọng. Hi vọng nhiệm kỳ mới đây, các Bộ trưởng sẽ ý thức rõ nét hơn, nhất quán hơn về yêu cầu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh từ hội nhập và yêu cầu nội tại của nền kinh tế để thay đổi. Những bộ tổng hợp như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư là tiên phong của cải cách, phải gác cổng để đích thực chỉ lọt qua được những văn bản có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách” – TS Nguyễn Đình Cung kỳ vọng.

Nam Phương
.
.
.