Hàng ngàn container “kẹt” cảng, doanh nghiệp ngành nhựa điêu đứng

Thứ Năm, 16/08/2018, 08:18
Mới đây, dư luận ồn ào về việc hàng ngàn container phế liệu đang tồn tại cảng có nguy cơ ô nhiễm môi trường, đã khiến các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa rơi vào tình trạng điêu đứng...

Là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao nhất, trong 10 năm qua, ngành nhựa trong nước luôn có mức tăng trưởng 15-20% năm. Đặc biệt, kể từ khi có chính sách nhập khẩu nhựa phế liệu (NPL), Việt Nam đã xuất khẩu ngược trở lại các sản phẩm nhựa cho Trung Quốc, nơi mà trước đây Việt Nam đã nhập khẩu từ những sản phẩm nhựa nhỏ nhất. 

Chỉ riêng trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 477.000 tấn nhựa, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm 50% tỷ trọng, tăng 99,87% về lượng so với năm 2016. Mặc dù mức tăng trưởng mạnh, nhưng ngành sản xuất nhựa chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phải nhập khẩu đến 80%. 

Mới đây, dư luận ồn ào về việc hàng ngàn container phế liệu đang tồn tại cảng có nguy cơ ô nhiễm môi trường, đã khiến các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa rơi vào tình trạng điêu đứng...

Cảng “kẹt” do đâu?

Theo Tân Cảng Sài Gòn, đến ngày 26-6-2018 hàng NPL nhập khẩu đang tồn cảng là 4.480 container (khoảng 70.000 tấn). Về lý do NPL nhập khẩu bị “kẹt” tại cảng, lãnh đạo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho rằng do thay đổi quản lý cấp phép nhập khẩu của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT). 

Theo đó, ngày 9-9-2015 Bộ TN & MT ban hành Thông tư 41/2015/TT-BTNMT thống nhất việc cấp phép nhập khẩu phế liệu trực thuộc Bộ TN &MT. Đây là việc làm để quản lý chặt các DN nhập khẩu NPL. 

Những năm trước đó việc cấp phép này thuộc Sở TN &MT các tỉnh, khoảng 25 giấy phép được cấp trong cả nước, đa số hết hạn hiệu lực vào cuối năm 2017. Tuy nhiên,  trước năm 2017 các DN không mặn mà gì với việc nhập khẩu NPL do không cạnh tranh nổi với các DN của Trung Quốc. Vì thế, rất ít DN xin cấp giấy phép theo quy định mới của Bộ TN &MT. 

Tuy nhiên, đầu năm 2018, Chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại NPL. Ngay thời điểm này, các DN tái chế NPL trong nước xem đây là “cơ hội chưa từng có” nên đã vội vàng xây dựng nhà máy để đáp ứng điều kiện cấp phép nhập khẩu NPL của Bộ TN&MT. 

Để đầu tư bài bản, DN cần thời gian 12-24 tháng mới hoàn thiện nhà máy. Trong khi đó, NPL nhập khẩu thì đang trên đường vận chuyển về Việt Nam, nên không còn cách nào khác phải “đáp” ở cảng. 

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, lượng NPL nhập khẩu tăng gấp đôi so với cả năm 2017. Trong số hàng tồn này, có hàng của khoảng 27 DN nhựa có giấy phép và 20 DN có giấy phép đã hết hạn.

Một nguyên nhân nữa cũng khiến lượng NPL “nằm” tại cảng không ít, là do quy chuẩn QCVN 32 - Bộ TN&MT, nhằm kiểm soát chất lượng NPL nhập khẩu nhưng khó thực hiện trong thực tiễn. 

Cụ thể, tiêu chí của QCVN32 là NPL phải sạch và tạp chất không quá 2% thì DN thấy khó áp dụng. Bởi vì, “sạch” là một khái niệm ước lệ khó đo đếm. Còn tạp chất khó có thể tách trong lô hàng ra để cân đo 1% hay 2% ... 

Cũng theo Quy chuẩn QCVN32, chỉ có 4 loại hình NPL được phép nhập khẩu. Nhưng đã là phế liệu thì bên bán không thể lúc nào cũng đóng hàng đúng 100% theo quy chuẩn của Việt Nam. Nếu bên bán đóng hàng vào container có lẫn một ít loại khác, thì cả lô hàng sẽ quy về chất thải, không được phép nhập khẩu. Do vậy, DN không dám đến nhận hàng.

Ngoài ra, trước sức ép của dư luận, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản 4202 ngày 17/7 với nội dung không thể tiếp tục thông quan các mặt hàng nhựa đã qua sử dụng như trước đây. 

Việc dừng thông quan đột ngột mà không thông báo trước, không gia hạn để DN có thời gian phản ứng, khiến hàng của DN bị nằm lại tại cảng. Ngoài ra, hàng tồn do các chi phí lưu container cao, do tạm nhập nhưng không tái xuất được, hoặc hàng vô chủ tồn đến nay đã... 10 năm

Phế liệu nhập khẩu còn tồn tại cảng rất lớn.

DN ngành nhựa ...điêu đứng

“Chi phí lưu container, lưu hãng, hiện nay hãng tàu thấp nhất là 50USD/ngày và hãng cao nhất là 100 USD/ngày. Nhưng thiệt hại lớn hơn đó là DN không có nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước. Công nhân tái chế không có việc làm”, ông Hoàng Đức Vượng, thành viên của VPA cho biết.

Là DN chuyên xuất khẩu sản phẩm làm từ nhựa tái chế, ông Trần Vũ Lê, Giám đốc công ty TNHH nhựa Lê Trần cho biết, năm 2017 công ty xuất khẩu gần 20 triệu USD. Trong năm 2018, chỉ mới tháng 3, công ty đã ký xong hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2018 với trị giá 30 triệu USD. 

“Nếu không có nguyên liệu nhựa tái chế để sản xuất thì công ty sẽ đền hợp đồng. Còn nếu thực hiện hợp đồng thì buộc phải thay thế nguyên liệu “zin”. Như vậy lỗ khoảng 10 triệu USD”- ông Lê chia sẻ. 

Được biết, trong năm 2017, công ty TNHH Nhựa Lê Trần nằm trong top 10 DN xuất khẩu có uy tín được Bộ Công Thương công nhận. Công ty nhựa Lê Trần ký hợp đồng với Bộ Công an, đưa sản phẩm của công ty từ Quảng Trị tới Cà Mau giải quyết việc làm cho khoảng 22.000 lao động là phạm nhân tại các trại giam, trại cai nghiện. 

Cũng theo ông Lê, hiện cũng có nhiều DN trong ngành đã đầu tư 100 - 200 tỷ đồng nhưng “đắp chiếu” do không có nguyên liệu nhựa để sử dụng. Trong khi lãi vay ngân hàng các DN phải trả trên 1 tỷ đồng.

Không chỉ DN nhập khẩu NPL bị thiệt hại, mà kể cả các DN nhập khẩu hàng đã qua sử dụng vẫn còn công năng sử dụng như bao tải cẩu bằng nhựa, màng nhựa là mặt hàng sạch đẹp, đã được phân loại đồng nhất, sử dụng trong việc đóng gói và làm màng phủ trong nông nghiệp, cũng bị vạ lây. 

Mặt hàng này không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu của Bộ Công Thương, và từ trước giờ DN vẫn nhập khẩu, vẫn kinh doanh. 

Tuy nhiên, theo ông Hòang Đức Vượng, Văn bản số 4202 của Tổng cục Hải quan, đã dừng đột ngột việc thông quan của Hải quan mà không báo trước cho DN, khiến DN không có thời gian chuẩn bị. Như vậy, những lô hàng ở cảng 1 container khoảng 200 triệu đồng nhưng để 3 tháng thì “đội thêm” 150 triệu tiền lưu container lưu bãi thì DN không lấy ra nữa vì phí lưu container phải trả cho hãng tàu vượt quá tiền hàng.

Theo ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch VPA, ngành nhựa Việt Nam có khoảng 2.000 DN, doanh thu 12,5 tỷ USD/năm. Trong đó xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hiện nay khoảng15%/năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 12%. 

Để giải quyết những khó khăn cho DN nhựa, đại diện VPA cũng kiến nghị:  Cơ quan Hải quan làm thủ tục nhập khẩu cho những DN nào đã được cấp phép; Xem xét mở rộng quy chuẩn VNQC 32 đưa các loại nhựa có thể tái chế không lẫn tạp chất nguy hại vào danh mục NPL được phép nhập khẩu, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu, tránh tồn cảng trong tương lai; Cho thông quan tất cả các container hàng nhựa đã qua sử dụng (bao, màng) đang tồn cảng, như trước đây. 

Nếu có thay đổi chính sách không cho nhập khẩu mặt hàng này thì phải được ban hành theo văn bản quy phạm pháp luật, tối thiểu là thông tư do cơ quan ngang bộ ban hành và có thời gian cho DN chuẩn bị...

Thúy Hà
.
.
.