Hai ngân hàng 0 đồng đánh mất hơn 800 tỷ đồng

Chủ Nhật, 25/12/2016, 09:21
Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn chưa đạt được như kỳ vọng, 5 lĩnh vực nhạy cảm vẫn còn tồn đọng vốn, trong đó nhiều khả năng mất vốn... là câu chuyện không mới, và tiếp tục được “xới” lại tại cuộc họp báo chuyên đề về tái cơ cấu DNNN diễn ra chiều 23-12.

Số liệu báo cáo của Bộ Tài chính cho biết: trong giai đoạn 2011 – 2015, cả nước đã sắp xếp được 588 DN, trong đó cổ phần hóa được 508 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN. Tổng giá trị thực tế của 508 DN thực hiện cổ phần hóa là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng.

Những con số thống kê cho thấy 1 thực tế là số tiền thoái vốn Nhà nước thu về được thấp hơn so với số vốn bỏ ra. Cụ thể, trong giai đoạn 2011- 2015, các đơn vị đã thoái được 11.036 tỷ đồng, nhưng chỉ thu về được có 10.742 tỷ đồng. Hay trong năm 2016, trong 5 lĩnh vực nhạy cảm, dù thoái được 490 tỷ đồng, nhưng chỉ thu về 450 tỷ đồng.

Lý giải điều này, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân thất thoát vốn khi thoái là vướng khoản đầu tư của Tập đoàn Dầu khí (800 tỷ đồng) tại OceanBank, của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (1,3 tỷ đồng) tại VNCB, sau khi hai ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Bên cạnh đó, năm 2016, khoản đầu tư 100,6 tỷ của Tổng Công ty Thanh Lễ thoái tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ cũng chỉ thu về 18,3 tỷ đồng.

Trả lời về trách nhiệm của các bên liên quan để xảy ra thất thoát vốn Nhà nước khi đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm, ông Tiến khẳng định nếu xử lý thì đó là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Tại OceanBank và Petro Vietnam, người đứng đầu tại hai đơn vị này cũng đã bị bắt.

Lệ Thúy
.
.
.