Hà Nội có 15.000 doanh nghiệp dừng hoạt động

Thứ Hai, 06/04/2020, 15:42
Sáng ngày 6/4, tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I-2020 của UBND TP, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, đến hết tháng 3, có 15.000 doanh nghiệp dừng hoạt động; hơn 150.000 hộ kinh doanh gặp khó khăn đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.



Nội chuẩn bị sẵn ba kịch bản điều hành đảm bảo an sinh xã hội

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, quý I năm 2020 tăng trưởng kinh tế của TP được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2020 tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%); Khách du lịch giảm mạnh; tổng lượng khách du lịch giảm 47,2%. Tại Hội nghị, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, đến hết tháng 3, TP có 15.000 doanh nghiệp dừng hoạt động; hơn 150.000 hộ kinh doanh gặp khó khăn đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Do tác động của dịch bệnh, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều đạt thấp so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Trước những áp lực khó khăn trước mắt, Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội đã đưa ra 3 kịch bản điều hành để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh COVID -19.

Du lịch, vận tải và các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19.

Cụ thể, kịch bản 1:Dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Kịch bản 2: Dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra. Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra.

Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19", giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, Ban, Ngành, và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm 2016 – 2020; nhất là xây dựng các phương án thu, chi ngân sách, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng chi thường xuyên và an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bệnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phân tích, con số tăng trưởng 3,72 %, thu ngân sách đạt 25,9 %... là có nguyên nhân từ dư địa từ tăng trưởng của năm 2019. Ở Hà Nội, hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch, dịch vụ, vận tải sụt giảm nghiêm trọng; các hoạt động vui chơi giải trí dừng hoạt động đã 60 ngày; chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa xuất khẩu đứt đoạn.

 "Rất có thể sẽ có cuộc đại khủng hoảng kinh tế kép, tác động đến y tế, kinh tế và con người. Thời gian tới chúng ta sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, chưa có điểm dừng", Chủ tịch UBND TP nhận định.

Hà Nội “mạnh tay” cắt giảm chi tiêu để đảm bảo an sinh xã hội

Chủ trì tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thời điểm này không phải để nghỉ ngơi mà đây chính là thời gian “vàng” để chuẩn bị cho mọi tình huống của dịch bệnh COVID -19, cũng như các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch. Chủ tịch UBND TP nêu yêu cầu với các sở, ngành: "Để phòng lây lan dịch bệnh COVID -19, chúng ta đang hạn chế đi lại người dân thì chúng ta cần tiếp tục cải cách hành chính để giảm chi phí, phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp và giảm chính các thủ tục ngay trong nội bộ của chúng ta; tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến…”. 

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh thêm: “Các đồng chí phải thực hiện đúng tinh thần: nhanh, dứt khoát, đúng quy trình; giải quyết thủ tục phải tránh tình trạng lừng khừng, tránh tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm mà phải làm sao mà đẩy nhanh các quy trình, trình tự thủ tục cho người dân, cho doanh nghiệp".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị.

Ông Chung quyết định: "Tất cả những khoản liên quan đến chi cho các hoạt động văn hóa xã hội; kinh phí cho các chương trình; chi cho xúc tiến đầu tư, du lịch; các hoạt động luyện tập thể thao ở nước ngoài; hoạt động hội họp không thiết yếu; kinh phí đi công tác nước ngoài đến hết quý 2 sẽ cắt hết, không chần chừ. Quý III, quý IV cũng cần xem xét giảm chi thường xuyên từ 5-10%". 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện và ban quản lý các dự án đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: các dự án đang triển khai sắp xong thì phải bố trí kinh phí làm nốt. Những dự án chưa triển khai thì phải rà soát ngay và quyết định làm hay không làm; không đảm bảo đủ ngân sách thì cắt ngay lập tức. "Không đề xuất dự án mới. Chúng ta phải tận dụng chi thường xuyên để để chăm lo đối tượng chính sách, chăm lo người nghèo, đảm bảo chi trả lương, đảm bảo an sinh xã hội", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định. 

Bên cạnh việc kết nối đảm bảo hàng hóa, ông Chung cũng yêu cầu Sở Công Thương tạo mọi điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, khẩu trang trên địa bàn hoạt động hết công suất; nếu vượt nhu cầu thì có thể xem xét kiến nghị Chính phủ cho xuất khẩu... 

Trúc Linh
.
.
.