Gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may

Thứ Sáu, 21/05/2021, 09:16
Năm 2021 được dự báo sẽ là cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội này, ngành dệt may vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn.


Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Việt Nam nổi lên như một quốc gia điển hình về thành công trong phòng, chống dịch và giữ vững sản xuất ổn định, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong khi đó, đại dịch hiện vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, khiến các nhãn hàng lớn tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam để tìm nhà cung ứng. Vì thế, năm 2021 được dự báo sẽ là cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội này, ngành dệt may vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn. 

Ngành dệt may khởi sắc trong những tháng đầu năm nhưng đang đối mặt với nhiều nỗi lo.

Theo Bộ Công Thương, quý 1-2021 ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2020 và các DN cũng đã tìm được hướng đi phù hợp. Mặc dù số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng tín hiệu thị trường đã dần hồi phục. Kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng dệt và may mặc quý I - 2021 ước đạt 7,2 tỷ USD (tăng 1,1% so với cùng kỳ); kim ngạch XK xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; kim ngạch XK vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%.Kết quả của sự hồi phục nàylà nhờ vào các chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, thông thương hàng hoá. Bên cạnh đó, còn nhờ những tác động từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may có 3 triệu người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp quan trọng vào kim ngạch XK. Với kim ngạch XK trong những tháng đầu năm đạt kết quả khả quan như vậy, năm 2021 dự kiến XK đạt 40 tỷ USD. 

Mặc dù, ngành dệt may đã hồi phục, đơn hàng nhiều nhưng DN đã gặp không ít khó khăn cần được tháo gỡ. Theo văn bản mà Vitas vừa gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan (về kiến nghị của các DN dệt may trên cả nước về vướng mắc chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP ban hành ngày 11/3/2021, thay thế cho Nghị định trước đó), các DN dệt may băn khoăn về tính bất cập khi thực hiện Nghị định mới này chính là DN nội địa XK tại chỗ sản phẩm cho DN sản xuất, phải nộp thuế XK cho sản phẩm xuất ra. 

Đồng thời, DN nhập khẩu (NK) sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế NK cho sản phẩm nhập tại chỗ. Như vậy một đối tượng hàng hóa, cả 2 DN đều phải nộp thuế. Trong khi đó, thực tế hàng NK tại chỗ sử dụng để sản xuất XK sau cùng cũng xuất ra nước ngoài, không tiêu thụ trong thị trường Việt Nam thì theo quy định tại Luật thuế XNK phải được miễn thuế.

T.Hà - T.Giang
.
.
.