Giải pháp bảo vệ doanh nghiệp trước việc hãng tàu Hanjin xin phá sản

Chủ Nhật, 25/09/2016, 10:30
Để tìm kiếm giải pháp ứng phó với việc hãng tàu Hanjin xin phá sản, ngày 23-9, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã cùng các hiệp hội chủ hàng họp bàn nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn của các DN, hiệp hội để tìm giải pháp tháo gỡ.

Để tìm kiếm giải pháp ứng phó với việc hãng tàu Hanjin xin phá sản, ngày 23-9, các cơ quan quản lý chuyên ngành như Cục Hàng hải, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã cùng các hiệp hội chủ hàng, doanh nghiệp Logistics, cảng biển, đại lý tàu biển và các hiệp hội ngành hàng, văn phòng Hanjin Shipping Global tại Việt Nam, doanh nghiệp cảng biển khai thác container, doanh nghiệp xuất nhập khẩu… họp bàn nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn của các DN, hiệp hội để tìm giải pháp tháo gỡ.

Thông tin từ đại diện hãng tàu Hanjin cho biết, đến ngày 6-9, các DN XNK trên cả nước đang còn tới 1.516 container nhập khẩu nằm ở các bến cảng; 432 container hàng nhập đang ở kho của khách hàng; 1.323 container hàng xuất khẩu đang ở cảng trung chuyển hoặc ở trên tàu.

Giao nhận hàng hóa tại cảng Cát Lái thuộc Tân Cảng Sài Gòn.

Đến thời điểm này, 23 tàu biển của Hanjin đang đỗ gần bến cảng của 23 quốc gia trong tình trạng neo đậu tạm thời mà không được tháo dỡ hàng hóa vì các cảng từ chối tiếp nhận tàu cũng như hãng tàu Hanjin không dám cho tàu nhập cảng do sợ bị bắt giữ.

Tại Việt Nam, theo lịch trình tàu Hajin Chennai của hãng đến cảng biển TP Hồ Chí Minh vào ngày 2-9. Song hiện con tàu này đang phải thả trôi ngoài khơi, cách bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu 85 hải lý. Trên tàu có chở 833 container hàng nhập khẩu.

Trước thực trạng trên, nhiều chủ hàng tỏ ra rất lo lắng khi tàu Chennai không cập cảng khiến các doanh nghiệp không thể nhận hàng. Đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) khẳng định, dù Hanjin đang nợ TCSG khoảng 50 tỷ đồng nhưng TCSG không chủ trương giữ tàu; sẽ cho tàu cập cảng để doanh nghiệp nhập khẩu nhận hàng, tránh bị thiệt hại.

Trước đó ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty TCSG cũng đã có văn bản khẳng định việc này. Theo đó, hãng tàu Hanjin đăng kí cập cảng Cát Lái cho các tàu Hanjin Chennai với số chuyến 0049E và tàu Hanjin Port Adelaide có số chuyến 0142W vào đầu tháng 9. Tổng Công ty TCSG đã sẵn sàng cầu bến và phương tiện để tiếp nhận và giải phóng các tàu này, nhưng hãng tàu Hanjin đã thông báo cho TCSG là các tàu không cập cảng theo kế hoạch.

Khi nào hãng tàu Hanjin đề nghị tiếp nhận trở lại các chuyến tàu nêu trên, TCSG sẽ thống nhất triển khai. Về vấn đề giao nhận container của hãng tàu Hanjin tại các cơ sở của TCSG, để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của khách hàng và hãng tàu Hanjin, TCSG đã áp dụng các biện pháp cụ thể.

Đồng tình với chủ trương này của TCSG, nhiều chủ hàng cho rằng nếu cảng bắt giữ tàu sẽ gây bất lợi trong việc đòi quyền lợi khi hãng này tuyên bố phá sản. Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, Cảng vụ Hàng hải thành phố khuyến khích Hanjin đưa tàu vào cảng để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.

Hiện phía cơ quan quản lý hàng hải cũng không có bất cứ thông báo gì về việc bắt giữ tàu. Do đó, khi TCSG đã đồng ý hỗ trợ Hanjin, hiện không còn rào cản nào đối với việc cập cảng của tàu Chennai nên dự kiến cuối tuần này tàu Chennai sẽ cập cảng Cát Lái.

Về hàng hóa nhập khẩu đang nằm tại cảng nước ngoài, đại diện một DN chuyên về nhập khẩu kinh doanh nguyên liệu thức ăn gia súc thông tin, công ty hiện đang có 142 container mắc kẹt tại cảng Busan của Hàn Quốc. Đã có ý kiến khuyên rằng công ty nên rút ruột lấy hàng ở Busan để chuyển về.

Nhưng  DN chủ hàng cho rằng, giá trị mỗi container hàng chỉ ở mức 5.000 USD, nên nếu thực hiện rút ruột hàng ở Busan để đưa về nước sẽ rất khó khăn và chi phí có thể còn cao hơn trị giá lô hàng. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics VN nêu quan điểm, tại các cảng trung chuyển, doanh nghiệp nên thuê các công ty giao nhận vận tải để chuyển hàng tới cảng đích.

Trường hợp cần thiết, Hiệp hội Logistics sẽ giới thiệu một số DN tại nước đó cho nhà nhập khẩu. Trước tình hình trên, theo ông Hiệp với hàng hóa đang chuẩn bị xuất hiện đã không thể đưa lên tàu của Hanjin. Vì vậy phương án tốt nhất là để chủ hàng rút ruột hàng tại cảng. Với quan điểm này, ông Hiệp cũng đề nghị các cảng Cát Lái, VICT, các ICD hỗ trợ doanh nghiệp rút ruột lấy hàng để trả container lại cho hãng tàu.

Đại diện Hanjin cam kết, những tàu đã đến được cảng đích nhưng chưa cập cảng chắc chắn sẽ sớm cập cảng. Hiện vướng mắc nằm ở các cảng trung chuyển. Theo đó, Hanjin đang phối hợp chặt với Cục Xuất nhập khẩu để xử lý các vấn đề của khách hàng. Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng và hãng tàu, trước đó TCSG cũng đã áp dụng một loạt các biện pháp tạm thời như không giao container rỗng của Hanjin ra khỏi các cảng của TCSG.

Đối với container có hàng, việc rút hàng hóa ra khỏi container của chủ hàng phải được thực hiện tại các cảng thuộc TCSG. Trường hợp khách hàng muốn mang về kho riêng phải sử dụng dịch vụ vận chuyển của TCSG và được hãng tàu Hanjin chỉ định trả container rỗng về các cảng thuộc TCSG. Các biện pháp này sẽ được TCSG áp dụng cho đến khi hãng tàu Hanjin hoạt động bình thường trở lại. 

Bảo Sơn
.
.
.