Dù đã có nghị định mới, doanh nghiệp vẫn “kêu trời” do bị hải quan làm khó(!)

Thứ Năm, 08/03/2018, 08:44
Mặc dù Nghị định 15/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm) đã ra đời hơn 1 tháng qua, nhưng đến thời điểm này, cán bộ Tổng cục Hải quan vẫn chưa biết, chưa nắm, đã khiến doanh nghiệp hết sức bất bình...

Để tạo thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), ngày đầu tháng 2-2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 15) thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP).

Điểm mới của Nghị định 15/2018 là cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Những cải cách mới này đã khiến cộng đồng DN vô cùng phấn khích vì tháo được nhiều “nút thắt” từng “trói” DN.

“Điểm nghẽn” lớn nhất của doanh nghiệp đó là những thủ tục liên quan hải quan.

Theo phản ánh của DN, “điểm nghẽn” lớn nhất của DN đó là những thủ tục liên quan hải quan. Thế nhưng, mặc dù Nghị định 15 đã ra đời hơn 1 tháng qua, nhưng đến thời điểm này, cán bộ Tổng cục Hải quan vẫn chưa biết, chưa nắm, đã khiến DN hết sức bất bình...

“Liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất nội bộ, không cần làm thủ tục tự công bố sản phẩm theo điều 4 khoản 2; miễn kiểm tra Nhà nước theo điều 13 khoản 7, không cần ghi nhãn phụ theo điều 25 khoản 1. Tuy nhiên, hiện nay có một số cơ quan đang hiểu rằng việc không cần làm thủ tục tự công bố sản phẩm, miễn kiểm tra Nhà nước, không cần ghi nhãn phụ, là áp dụng cho thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu này chứ không phải áp dụng cho nguyên liệu. Từ đó, cơ quan kiểm tra yêu cầu DN phải tự công bố nguyên liệu, phải kiểm tra Nhà  nước, ghi nhãn phụ. Cách nghĩ này đúng không?”. Đây là phản ánh của một DN tại Hội nghị phổ biến Nghị định 15 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh chiều ngày 6-3.

Trước khi trả lời câu hỏi trên của DN, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) hỏi lại: “Cụ thể cơ quan nào?”, đại diện DN này khẳng định: “Hải quan”. Theo DN này, hàng hóa của DN bị giữ lại để kiểm tra là ở hải quan Đà Nẵng và hải quan ở TP Hồ Chí Minh. Ông Phong khẳng định: “Đó là cách hiểu không đúng. Theo tinh thần của Nghị định 15, nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất nội bộ, sau đó thành phẩm tiêu thụ trong nước cũng như để xuất khẩu thì không thuộc diện kiểm tra Nhà nước, không phải làm thủ tục công bố”.

Sau khi nghe ông Phong trả lời như thế, một DN khác than phiền: “Cách đây 1 tuần, DN tôi đăng ký các nguyên liệu sản xuất thì hải quan là Chi cục quản lý đầu tư vẫn tiếp nhận hồ sơ và không cần phải đăng ký kiểm tra chất lượng Nhà nước. Nhưng mới đây, DN nộp 5 bộ hồ sơ lô hàng thì hải quan lại đình chỉ, yêu cầu phải đăng ký kiểm tra chất lượng Nhà nước. Trong khi đó Nghị định 15 thì không thuộc đối tượng kiểm tra chất lượng. Bây giờ các lô hàng hóa đang bị đình chỉ ngoài cảng chưa biết giải quyết thế nào?”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu có rất nhiều DN đã gửi câu hỏi thắc mắc, cần được nghe lời giải đáp từ chính cơ quan Hải quan, đơn vị trực tiếp kiểm tra DN.

Bà Lê Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại (Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan) cho biết, trước đó bà chưa từng nghe DN nào phản ánh vấn đề này. Về Nghị định 15, bà Hà nói bà cũng mới tham dự hội nghị lần này nên chưa nắm được những vướng mắc của DN. Vì thế, những nội dung liên quan sẽ được Tổng cục Hải quan tập hợp lại, bàn cách tháo gỡ và sẽ đưa vào thực hiện thống nhất hải quan cả nước.

Các doanh nghiệp sẽ tự công bố sản phẩm theo Nghị định 15.

“Nghị định 15 có hiệu lực từ ngày 2-2, đến nay đã hơn một tháng rồi mà Tổng cục Hải quan vẫn chưa nắm thì không thể chấp nhận. Đề nghị, sau cuộc họp này Tổng cục Hải quan sẽ có công văn trả lời cho các Hiệp hội biết cụ thể là sau bao nhiêu ngày nữa thì sẽ có trả lời chính thức cho DN”, nhiều DN bức xúc.

Nhằm tận dụng các ưu đãi về thuế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hiện nay phần lớn DN có xu hướng nhập khẩu nguyên liệu để được hưởng mức thuế 0% do các FTA mang lại. Tuy nhiên, các DN hiện đang khốn đốn từ cửa hải quan do cách hiểu không thống nhất, dẫn đến áp dụng sai và hậu quả là có rất nhiều lô hàng phải nằm chờ tại cảng. Vì vậy, để giải quyết “điểm nghẽn” này của DN, ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị bà Lê Nguyễn Việt Hà báo cáo lại với lãnh đạo Tổng cục Hải quan để giải quyết những vướng mắc của DN. “Chậm nhất là tuần này chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện”, bà Hà khẳng định.

Tại hội nghị, lãnh đạo phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại (Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan) cũng nêu những vướng mắc mà hải quan gặp phải trong quá trình thực thi cần được tháo gỡ.

Cụ thể, sản phẩm được cấp giấy tiếp nhận bảng đăng ký công bố thuộc đối tượng tại khoản 1 điều 13. Nếu hải quan làm thủ tục tại cửa khẩu yêu cầu DN nộp hay xuất trình giấy trên, tức là phát sinh thủ tục hành chính. Việc nộp hay xuất trình không quy định tại Nghị định.

Nhưng nếu DN không nộp hay xuất trình vẫn cứ nhập khẩu, hải quan không chứng minh được lô hàng ấy đã có bảng tiếp nhận. Vậy trong trường hợp này, hải quan phải yêu cầu DN làm như thế nào? Vướng nữa, đó là Nghị định 15 ra đời rồi nhưng danh mục ATTP của 3 Bộ (NN&PTNT, Công thương và Y tế) hiện nay vẫn công bố theo NĐ 38 cũ. Vậy bây giờ hải quan hướng dẫn DN thế nào?

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị định 15 đã “cởi trói” cho cộng đồng DN, đặc biệt là DN kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm rất lớn; trong đó, thống kê cho thấy, giảm 90% thủ tục hành chính liên quan đến ATTP.

Thúy Hà
.
.
.