Dự án thép Cà Ná vẫn có tên trong dự thảo quy hoạch lần 2 được Bộ Công Thương lấy ý kiến

Thứ Hai, 12/12/2016, 09:18
Sau dự thảo quy hoạch lần 1 được đưa ra gây lùm xùm dư luận vì sự xuất hiện của cái tên Cà Ná, ngày 11-12, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo lần 2 quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Trong danh mục các dự án vẫn có tên dự án khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná – Ninh Thuận như dự thảo lần 1.

Với quan điểm đây là quy hoạch “mềm”, có tính chất định hướng và phải phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường; quy hoạch cũng nhấn mạnh khía cạnh môi trường và phát triển bền vững, chú trọng các hệ sinh thái tại các khu vực sản xuất thép.

Mục tiêu đặt ra của quy hoạch là nâng cao tỉ trọng sản xuất thép thô từ gang lỏng và sắt xốp sản xuất trong nước: Năm 2020 sản xuất 21 triệu tấn; năm 2025 đạt 46 triệu tấn và đến năm 2035 đạt 55 triệu tấn. Về phôi thép, năm 2020 sản xuất đạt 32,3 triệu tấn; năm 2025 đạt 57,3 triệu tấn; năm 2035 đạt 66,3 triệu tấn. Phấn đấu tỉ lệ phôi sản xuất từ gang theo công nghệ lò cao/sắt xốp năm 2020 đạt 65%, năm 2025 đạt 80% và năm 2035 đạt 83%.

Về công nghệ và thiết bị, dự thảo cho biết sẽ “Sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng hiệu quả và thân thiện môi trường. Đối với dự án ở quy mô nhỏ, có giải pháp cải tiến công nghệ nâng cao hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường”.

Thép sẽ được ưu tiên phát triển sản xuất tập trung ở vùng ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến môi trường. Ưu tiên phát triển sản xuất phôi thép chất lượng cao ở quy mô nhỏ phù hợp với nguồn quặng sắt phân tán nhỏ lẻ tại khu vực miền núi. Theo dự báo bộ này đưa ra, nhu cầu thép thô để sản xuất các sản phẩm thép (gồm thép thanh, cuộn, hình, cuộn cán nóng, cuộn cán nguội, thép ống) trong nước đến năm 2020 sẽ là 285kg/người, tổng nhu cầu thép trong nước sẽ là 27 triệu tấn. Con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035.

Theo bảng phân bố năng lực sản xuất thép đến năm 2020 theo 6 vùng lãnh thổ có thể thấy khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung tập trung nhiều dự án thép nhất, với công suất 16 triệu tấn sắt xốp trong tổng công suất 21 triệu tấn của cả nước. Tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng.

V.H.
.
.
.