Đồng loạt kiểm tra các DN có mô hình kinh doanh theo chuỗi

Chủ Nhật, 05/08/2018, 08:39
Văn phòng Bộ Công thương vừa có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh về việc sẽ đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp (DN) kinh doanh mô hình tương tự Mumuso. 

Theo đó, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) khẩn trương tiến hành thủ tục xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với Công ty Mumuso Việt Nam và công khai kết quả xử lý. Đồng thời chỉ đạo các Chi cục QLTT rà soát, kiểm tra hoạt động các chuỗi cửa hàng kinh doanh theo mô hình tương tự Mumuso Việt Nam trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá các bất cập của chính sách pháp luật quản lý hiện hành đối với mô hình kinh doanh theo chuỗi tương tự Mumuso Việt Nam. 

Trên cơ sở đó đề xuất với Bộ và các cấp có thẩm quyền các chính sách pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động của mô hình kinh doanh theo chuỗi tương tự như Mumuso Việt Nam.

Được biết, Mumuso được quảng bá là chuỗi cửa hàng bán lẻ với những sản phẩm chuyên dụng để làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, phụ kiện thời trang, văn phòng, đồ gia dụng, thiết bị kỹ thuật số… 

Cửa hàng Con Cưng bị phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh.

Theo thông tin trên nhãn mác, Mumuso là thương hiệu đến từ Hàn Quốc với chất lượng sản phẩm cam kết theo đúng tiêu chuẩn Hàn. Nhưng, sau một thời gian hoạt động tại Việt Nam, đã xuất hiện nghi vấn Mumuso không phải là thương hiệu của Hàn Quốc mà là Trung Quốc. 

Đại diện Công ty Mumuso Việt Nam khẳng định, Mumuso đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc cấp từ năm 2014 và có giấy phép đăng ký kinh doanh ở Hàn Quốc. 

Sau đó công ty chuyển giao công nghệ và có trụ sở hoạt động chính ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Mumuso Việt Nam nhận chuyển nhượng từ đơn vị này để phát triển hệ thống cửa hàng bán sản phẩm tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định, trong số hơn 200 công ty vào Việt Nam theo con đường nhượng quyền thương mại từ đầu năm đến nay, không có tên Mumuso.

Chưa hết, để trấn an người tiêu dùng (NTD), Mumuso Việt Nam trưng ra bằng chứng về giấy phép đăng ký thương hiệu tại Hàn Quốc và Giấy chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn hợp quy từ Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và Cục Quản lý mỹ phẩm. Đồng thời, Mumuso cũng khuyên khách hàng hãy thật bình tĩnh và sẽ giải đáp hết những hoang mang, lo lắng của khách hàng.

Tuy nhiên, ngày 13-7, sau một thời gian kiểm tra, Bộ Công thương đã công bố kết luận kiểm tra đối với Mumuso Việt Nam (giai đoạn từ năm 2016 tới ngày 31-5-2018) với hàng loạt dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh. 

Về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, Mumuso Việt Nam kinh doanh 2.273 loại hàng, nhưng trong đó có đến 2.257 loại (chiếm 99,3%) là hàng có xuất xứ Trung Quốc. Phần nhỏ còn lại, công ty này mua lại của các đơn vị cung cấp trong nước. 

Với công bố này, NTD choáng váng, vì trong thời gian dài NTD tin tưởng bỏ tiền ra mua sản phẩm cam kết chất lượng Hàn Quốc, nhưng thực chất lại là hàng Trung Quốc.

Theo ghi nhận của PV, hầu hết các sản phẩm bán tại các cửa hiệu Mumuso đều dán nhãn “Thương hiệu: Mumuso - Korea" được in đậm, chữ to, và chữ “xuất xứ China” ghi nhỏ xíu ở phía dưới. Nếu không để ý kỹ, NTD sẽ nhầm lẫn đây là sản phẩm có xuất xứ Hàn Quốc. 

Điều đáng nói, là không phải đợt kiểm tra này mới phát hiện Công ty Mumuso sai phạm. Trước đó, tháng 3-2018, Mumuso cũng đã bị UBND TP Hồ Chí Minh xử phạt hơn 320 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm với hàng nghìn sản phẩm với các hành vi vi phạm: không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt...

Trong khi vụ việc gian lận trong kinh doanh của Công ty Mumuso Việt Nam chưa kịp lắng xuống thì tiếp đó, chuỗi siêu thị chuyên kinh doanh sản phẩm mẹ bầu và trẻ em của Công ty Con Cưng cũng bị phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT thuộc Bộ Công Thương  khẳng định: Bước đầu phát hiện chuỗi siêu thị Con Cưng có bảy hành vi sai phạm. Tuy vậy, trong suốt thời gian kể từ khi bị nghi vấn đánh tráo nhãn mác, nhập nhèm nguồn gốc để đánh lừa khách hàng, Con Cưng vẫn một mực khẳng định mình không bán hàng dỏm.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, đã kiểm tra 88 cửa hàng Con Cưng và đang tạm giữ gần 120.000 sản phẩm, để làm rõ các dấu hiệu vi phạm.

Nhận định về vụ việc Con Cưng, luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc giải thích của Con Cưng trong sự cố này chỉ mang tính “chữa cháy”, lời nói không đi đôi với việc làm. Theo quy định, NTD hoàn toàn có quyền khởi kiện phía Con Cưng ra tòa. Đây là bài học lớn dành cho Con Cưng cũng như những DN khác trong việc thực thi pháp luật và đạo đức kinh doanh”.

Nắm bắt được tâm lý “sính ngoại” của NTD Việt, hiện nay nhiều các chuỗi cửa hàng quảng bá các sản phẩm của mình là hàng có nguồn gốc nước ngoài như Mumuso với quảng cáo là sản phẩm Hàn Quốc. 

Ngoài ra, có không ít DN bán lẻ tương tự như mô hình của Mumuso bị “tố” bán hàng Trung Quốc, nhưng “đội lốt” Nhật, Hàn, Thái Lan... Tại buổi họp báo định kỳ của UBND TP Hồ Chí Minh tối 2-8, vấn đề sai phạm tại hệ thống siêu thị Con Cưng được đặc biệt quan tâm. 

Ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Hành vi làm hàng giả, hàng nhái là không thể chấp nhận được, không chỉ ảnh hưởng sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến niềm tin của NTD, mà còn làm mất uy thế của TP Hồ Chí Minh, của Việt Nam”. 

Ông Hoan cũng nhấn mạnh, tâm lý “sính ngoại, giá rẻ” là một phần, nhưng ở góc độ quản lý nhà nước thì thừa nhận công tác quản lý chưa tốt. Cụ thể, chưa chống tận gốc; xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe.

Thúy Hà
.
.
.