Từng bước được tháo gỡ khó khăn về bảo hiểm trong doanh nghiệp

Thứ Sáu, 16/06/2017, 22:51
Ngày 16-6-2017, tại TP HCM, BHXH Việt Nam phối hợp với VCCI)tổ chức Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam khu vực phía Nam.

Cuộc đối thoại đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp, góp phần việc mở rộng bao phủ BHXH và tháo gỡ dần những khó khăn, vướng mắc cho người lao động và doanh nghiệp.

Sau gần 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 1,6 lần GDP. Đến nay, cộng đồng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với trên 16 nghìn doanh nghiệp và trên 3,8 triệu người lao động khu vực FDI, đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế và có những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ở Việt Nam.

Tính đến 31/12/2016, tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 208.397 đơn vị, trong đó số doanh nghiệp FDI là 16.085 doanh nghiệp, chiếm 7,7% tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. 

Quang cảnh cuộc đối thoại về chính sách bảo hiểm

Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN khối doanh nghiệp tính đến 31/12/2016  là 151.581 tỷ đồng. Trong đó số thu của doanh nghiệp FDI là 71.670 tỷ đồng, chiếm 47,2% tổng số thu của khối doanh nghiệp. Tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối doanh nghiệp là 8.747.106 người, trong đó số lao động thuộc doanh nghiệp FDI là 3.754.814 người.

 Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp FDI luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện đúng các quy trình thủ tục của BHXH Việt Nam, có đội ngũ làm công tác BHXH chuyên nghiệp nên các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thực hiện chính xác và hiệu quả, đặc biệt là nghiệp vụ về lập thủ tục hồ sơ hưởng BHXH... 

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, việc đảm bảo chế độ BHXH, BHYT và BH thất nghiệp cho người lao động nói chung và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng ngày càng quan trọng và cấp thiết hơn trong bối cảnh thị trường lao động và nhu cầu về an sinh xã hội thường xuyên biến động; chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp của Việt Nam có nhiều bổ sung, sửa đổi thể hiện trong các nội dung mới của Luật Việc làm 2013, Luật BHXH 2014 và Luật BHYT sửa đổi 2014.

Thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/6/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của BHXH Việt Nam đã chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả bước đầu như: rà soát, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động, áp dụng CNTT, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu BHXH tập trung của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan thực hiện chính sách.

Bên cạnh những doanh nghiệp FDI chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật, đóng BHXH đầy đủ, kịp thời, vẫn một số doanh nghiệp nợ BHXH. Tính đến ngày 31/12/2016, tổng số nợ BHXH của khối doanh nghiệp FDI vẫn còn cao  là 1.241 tỷ đồng (chiếm 3,9% tổng số phải thu của các doanh nghiệp cùng khối FDI).

Đại diện doanh nghiệp đề nghị giải đáp về chính sách bảo hiểm.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó chủ yếu do một số doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải giải thể, ngừng hoạt động; song vẫn còn đâu đó một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng vốn từ khoản thu BHXH của người lao động đầu tư vào mục đích khác, thiếu hợp tác tích cực với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động, đặc biệt còn có chủ doanh nghiệp bỏ trốn khỏi Việt Nam…

Những hạn chế này, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện chính sách BHXH, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Hội nghị đối thoại đã tập trung vào các nội dung chính như: Trao đổi về kết quả cung cấp thông tin, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp; Trao đổi các thông tin mới trong chính sách pháp luật, thủ tục hành chính về BHXH, BHYT và BH thất nghiệp; Triển khai thực hiện Nghị định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Đối thoại, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của NLĐ khu vực FDI trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI. 

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tại cuộc đối thoại.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.

Để tăng cường thu hút vốn FDI bền vững, Việt Nam đã có những biện pháp nhằm hoàn thiện hệ thống luật pháp,chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghị quyết số 35/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủngày 16/5/2016 về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, Ban ngành, trong đó có nhiệm vụ “Rà soát, đề xuất chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động phù hợp”.

Phó Chủ tịch  VCCI cũng đánh giá, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp FDI đã thực hiện tương đối tốt chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp chậm đóng, thậm chí là chậm đóng kéo dài BHXH gây khó khăn và ảnh hưởng đến người lao động. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, BHXH, BHYT là hai trụ cột trong chính sách an sinh xã hội. Trong những năm vừa qua, chính sách BHXH, BHYT đã có những sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. 

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại hội nghị.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã giảm tỷ lệ mức đóng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thông tin về việc tham gia BHXH đối với người lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, theo quy định của Luật BHXH, từ 1.1.2018, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc. Vấn đề đặt ra là tham gia như thế nào, có tham gia cả 5 chế độ của Luật BHXH hay không.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, với chính sách BH thất nghiệp, nếu doanh nghiệp, người lao động có thời gian làm việc lâu dài tại Việt Nam thì có thể tham gia để hưởng lợi, còn không thì không bắt buộc. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng nghị định hướng dẫn và việc tham gia này phải có lộ trình.

Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng mong muốn, các doanh nghiệp FDI tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.

Đánh giá cao các ý kiến góp ý từ phía doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đề nghị tất cả các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam tiếp thu toàn bộ ý kiến phản ánh, câu hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp FDI để trả lời và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam. Những phần không thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam sẽ được tổng hợp, kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan để trả lời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Hiếu Anh
.
.
.