Doanh nghiệp chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại trong xuất nhập khẩu

Chủ Nhật, 23/08/2020, 10:21
Việc áp các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu, đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng từ rất lâu. Nhưng với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, việc áp dụng các biện pháp PVTM vẫn còn khá mới mẻ và bị động.


Nhằm giúp DN hiểu rõ và áp dụng hiệu quả hơn công cụ quan trọng này, ngày 21/8 tại TP Hồ Chí Minh, Cục PVTM (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội nghị tập huấn về công tác PVTM trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Theo Cục PVTM, có 3 biện pháp PVTM cơ bản gồm: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Theo đó, bán phá giá được hiểu là giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường. Biện pháp trợ cấp là khi hàng hóa được hỗ trợ của cơ quan Chính phủ (tài chính, điều kiện, chính sách...) và biện pháp tự vệ áp dụng khi phát hiện gia tăng đột biến lượng hàng hóa nhập khẩu gây thiệt hại, hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Mục tiêu áp dụng các biện pháp PVTM này là nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu.

Số liệu của Cục PVTM, đến nay Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng 189 vụ việc. Trong 5 năm gần đây nhất có tới 91 vụ. Các thị trường điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ (38 vụ), Ấn Độ (26 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (23 vụ), Australia (16 vụ), Canada (15 vụ), EU (14 vụ) và Philippines (11 vụ). Trong đó, biện pháp PVTM nhiều nhất là chống bán phá giá (107 vụ), chống trợ cấp (21 vụ), tự vệ (38 vụ) và chống lẩn tránh (23 vụ). 

Ông Phùng Gia Đức - Phó Trưởng phòng, Phòng xử lý PVTM nước ngoài - Cục PVTM cho biết, hiện nay xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại tại nhiều nước, khu vực trên thế giới. Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam đang ứng phó với 27 vụ việc PVTM khác nhau. Một trong những nguyên nhân, sự xuất hiện của các FTA thế hệ mới nhằm tăng cường tự do thương mại toàn cầu, trong đó có EVFTA. Trong đó, EU sẽ miễn thuế cho phần lớn hàng hóa của Việt Nam.
Ông Phùng Gia Đức – Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài.

Ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục PVTM nhận định, biện pháp PVTM là công cụ mà các quốc gia trên thế giới đã sử dụng từ rất lâu. Theo thống kê tổ chức thương mại thế giới (WTO) đến thời điểm hiện tại có trên 5.000 vụ PVTM đã được tất cả các nước thành viên WTO sử dụng. Điều đó cho thấy, việc sử dụng công cụ này của các nước thành viên WTO rất lớn để bảo vệ hàng hóa trong nước của họ. Cục PVTM cho biết, đến nay có 189 vụ việc PVTM của các nước áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (tính từ 1994 đến 2020). Ở chiều ngược lại, Việt Nam chỉ mới điều tra và áp dụng được 17 vụ việc PVTM đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, đây là sự chênh lệch lớn. 

Tuy nhiên, ông Tô Thái Ninh cũng cho rằng, nhận  thức về các biện pháp PVTM của DN Việt Nam hiện cũng đã thay đổi và DN trong nước cũng đã chủ động hơn trong việc áp dụng các biện pháp PVTM. 

Bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết, trong thời gian qua, Hoa Kỳ liên tục áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2020, trung bình cứ khoảng 1 tháng có 1 vụ kiện mới đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Còn thị trường EU, hiện tại tương đối yên bình, nhưng với Hiệp định EVFTA thì trong tương lai, khoảng 5 năm tới thặng dư thương mại giữa Việt Nam và EU được đánh giá tăng, hàng hóa Việt Nam sẽ vào thị trường EU nhiều thì lúc đấy EU sẽ có các biện pháp PVTM, các hàng rào kỹ thuật đánh trực diện vào hàng hóa Việt Nam.

Để tránh bị động khi xử lý vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM, ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng, Phòng xử lý PVTM nước ngoài – Cục PVTM, cũng lưu ý các DN: “Trước khi xảy ra vụ việc DN nên chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, quy định PVTM trong các FTA giữa Việt Nam và đối tác để nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Phải thường xuyên trao đổi thông tin với Hiệp hội và cơ quản lý Nhà nước; Xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến hiện đại, lưu trữ hồ sơ sổ sách đầy đủ, rõ ràng. Đồng thời, phải dự trù việc thuê luật sư khi cần thiết”.         

Thúy Hà
.
.
.