Doanh nghiệp bức xúc vì kiểm tra chuyên ngành nhiêu khê, trùng lắp

Thứ Bảy, 03/09/2016, 11:04
Kết quả khảo sát của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh với 240 doanh nghiệp (DN) và 20 hiệp hội, hội DN về vấn đề kiểm tra chuyên ngành cho thấy, đa số phản hồi của các DN là khá bức xúc về tình trạng chồng chéo, nhiêu khê về thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Theo đó, danh mục mặt hàng bắt buộc phải qua kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan là quá nhiều, chiếm từ 30-35% hàng hóa nhập khẩu (NK) hiện tại và có nhiều mặt hàng NK phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành khi cùng lúc. 

Ý kiến của DN ngành sữa cho rằng, đối với kiểm tra VSATTP, cùng là một phẩm sữa tươi NK nhưng phải qua kiểm dịch động vật của Bộ NN&PTNT và qua kiểm tra ATTP của Bộ Công Thương. Do đó, mặt hàng sữa tươi phải chịu cảnh 2 lần kiểm tra chuyên ngành. 

Với mặt hàng phô mai cũng vậy, do là sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nên ngoài chuyện qua cơ quan kiểm dịch thú y vùng 6 của Bộ NN&PTNN cấp chứng thư về kết quả kiểm dịch động vật và kiểm tra ATTP. Mặt hàng còn thuộc danh mục sản phẩm quản lý của Bộ Công Thương nên tiếp tục phải kiểm tra thêm lần nữa.


Vắng vẻ ở một cơ quan kiểm tra chuyên ngành đặt tại cảng Cát Lái.

Về kiểm dịch động vật, quy định của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương là “một sản phẩm chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan có trách nhiệm”, song  nhiều DN phản ánh rằng, thực tế một mặt hàng khi kiểm tra nhiễm khuẩn không có dịch bệnh đạt VSATTP nhưng vẫn phải đăng ký kiểm dịch. Đồng thời cùng là một chỉ tiêu về Salmonella và Ecoli, nhưng cơ quan thú y vùng 6 và Tổng cục Thủy sản đều thực hiện kiểm tra với một lô hàng NK mới được cấp phép. 

Do đó, các tiêu chí kiểm tra của các cơ quan chuyên ngành trùng lắp, cùng một mẫu phải kiểm tra nhiều nơi gây tốn thời gian, chi phí của DN. Mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản cũng vậy, DN phải xin cấp phép NK ở 2 nơi là Cục Thú y và Cục Thủy sản.

Nêu ra thời gian cụ thể và chi phí phải có để thực hiện kiểm tra chuyên ngành, đại diện nhiều DN đã cho rằng nhiều thủ tục đang gây lãng phí thời gian và tài chính của DN. 

Đại diện DN dệt may phản ánh, đối với thủ tục kiểm tra mặt hàng bông NK, DN phải mất ít nhất 10 ngày mới hoàn tất. Lý do phải đi xin giấy chứng nhận kiểm dịch tại Cục Bảo vệ thực vật mất 7 ngày và đăng ký kiểm dịch phun trùng tại cửa khẩu mất 2 ngày. 

Ngoài ra, còn mất 1 ngày để nộp chứng từ mới có thể thông quan. Các DN NK mặt hàng nguyên liệu như lông vũ, lông cáo, lông gấu… còn phải mất thêm đến 2-3 ngày để gửi mẫu lên Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. 

Như vậy, tổng cộng DN phải dành 13 ngày để chờ giấy phép ngoài khoản phát sinh thêm chí phí, mặc cho những loại nguyên liệu trên đã qua xử lý; có chứng nhận kiểm dịch động vật, xuất xứ của nước XK và cũng không thuộc danh mục chủng loại cấm trong CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã) nhưng đều phải kiểm tra chuyên ngành.

Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, quy định của Bộ Công Thương về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trên sản phẩm dệt may cũng đang gặp phản ứng gay gắt của cộng đồng DN. 

Trong 7 năm áp dụng, chỉ có một phần nhỏ không đáng kể các lô hàng không đạt hàm lượng quy định và chưa phát hiện trường hợp nào ảnh hưởng sức khỏe do hàm lượng formaldehyt cao. 

Trong khi đó chi phí giám định ở mức hơn 2 triệu đồng/mẫu vải. Thời gian kiểm tra cho mỗi lô hàng mất từ 3 - 7 ngày làm việc. Ngay cả lượng vải NK hoặc dư thừa sau khi thanh lý hợp đồng gia công có số lượng ít hơn 30 mét cũng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Do đó DN đã đồng loạt kiến nghị bãi bỏ hoặc điều chỉnh quy định này để giảm thời gian, chi phí cho DN.

Vắng vẻ ở một cơ quan kiểm tra chuyên ngành đặt tại cảng Cát Lái. 
Đ.Thắng
.
.
.