Doanh nghiệp bức xúc về quy định bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm

Thứ Ba, 26/06/2018, 08:07
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi áp dụng quy định tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28-1-2016 của Chính phủ (gọi tắt Nghị định 09) đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Chiều 25-6, Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hội nước mắm Phú Quốc tổ chức hội thảo “Trao đổi một số thông tin và đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm” để thống nhất đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng trong chế biến thực phẩm khi thực hiện quy định tại Nghị định. 

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi áp dụng quy định tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28-1-2016 của Chính phủ (gọi tắt Nghị định 09) đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Nghị định 09 (có hiệu lực từ ngày 28-1-2017) quy định “muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt”. 

Tuy nhiên, theo các DN, thực tế khi áp dụng quy định này, một số loại thực phẩm không thể sử dụng muối I-ốt làm nguồn nguyên liệu để chế biến do tạo ra trạng thái cảm quan, màu sắc, mùi vị không bằng so với việc sử dụng muối thường (không bổ sung I-ốt). 

Điển hình, đối với sản phẩm thủy sản, nước mắm, nước chấm; rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, các sản phẩm từ ngũ cốc sấy; các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm các loại bánh ngọt và dùng trong chế biến các loại thực phẩm... sử dụng muối I-ốt sẽ làm các sản phẩm bị biến mùi, vị, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm. 

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho rằng, nước mắm Phú Quốc làm từ cá cơm tươi của vùng biển Phú Quốc, muối thì phải Bà Rịa – Vũng Tàu, ủ chượp trong thùng gỗ. Đó là đặc điểm truyền thống của nước mắm Phú Quốc. 

Điều tự hào là hiện nay, nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ ở Việt Nam 17 năm, châu Âu là 6 năm, bảo hộ về chỉ dẫn địa lý và nước mắm Phú Quốc đã được công nhận là nghề và đang trên đà phát triển, xây dựng thành thương hiệu quốc gia, hiện đang được UNESCO làm thủ tục này. 

Như vậy, việc sử dụng muối I-ốt vào trong chế biến nước mắm truyền thống sẽ làm thay đổi chất lượng cảm quan như màu, mùi, vị đặc trưng của nước mắm Phú Quốc, gây ảnh hưởng trong việc tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Nghị định 09 còn quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm. Quy định này, DN cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện. 

Đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam nêu lên khó khăn: “Công ty Acecook sản xuất mì ăn liền. Thực hiện Nghị định 09, công ty sử dụng bột mì có sắt, kẽm thì vắt mì sẽ bị đen, xỉn màu và sợi mì không dai như mì bình thường. Như vậy, mì ăn liền mà cảm quan và thực cảm bị giảm thì rõ ràng ảnh hưởng lớn cho DN. Vậy để duy trì sản phẩm như cũ, công ty phải cùng với nhà sản xuất bột mì nghiên cứu sao để khắc phục những nhược điểm trên. Hiện công ty xuất khẩu trên 40 nước nhưng có rất nhiều nước cấm vừa bỏ sắt vừa bỏ kẽm vào trong bột mì. Nếu có thì phải xin phép nước nhập khẩu và ghi rõ trên bao bì. Nhưng công đoạn xin phép cũng rất nhiêu khê, thông tin ghi trên nhãn cũng khiến NTD lo ngại vì sự thay đổi của sản phẩm. Vì vậy DN rất khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu”. 

Trước những bức xúc của DN, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15-5-2018 (gọi tắt Nghị quyết 19), theo đó đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, tham mưu nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09 theo hướng chỉ nên khuyến khích DN chế biến thực phẩm sử dụng muối I-ốt. Tuy nhiên, đến nay, việc này vẫn chưa được tiến hành, gây bức xúc trong DN.                                    

Thúy Hà
.
.
.