Doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng FDI

Thứ Hai, 10/06/2019, 09:27
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) chiếm đến 70% lượng xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 (đạt 244 tỷ USD) và phần lớn các DN FDI liên kết với nhà cung cấp nước ngoài.

Trong khi đó, Việt Nam có đến 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhưng chỉ có 21% số này liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan là 30%, Malaysia 46%... Đây được xem là nghịch lý, bởi nếu xét về mức độ thu hút vốn FDI, Việt Nam thuộc top đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về quan hệ hợp tác thương mại tự do (FTA) với các nước. Đến cuối năm 2018, Việt Nam đã tham gia 17 FTA song phương lẫn đa phương, quan hệ tự do thương mại với hơn 100 quốc gia. 

Điều này, đã mở ra nhiều cơ hội không chỉ DN trong nước, mà cho cả các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam được tiếp cận các thị trường tiềm năng cũng như tận dụng chính sách ưu đãi do các FTA mang lại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các DN trong nước khó cạnh tranh trong việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại hội thảo “Làm thế nào để trở thành nhà cung cấp cho các DN nước ngoài” vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, hiện nay, khu vực DNNVV của Việt Nam chiếm tới 98% nhưng chỉ có 21% số này liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, trong khi tỷ lệ này tại Thái Lan là 30%, Malaysia 46%. Đây là nghịch lý bởi nếu xét về mức độ thu hút vốn đầu tư FDI, Việt Nam thuộc top đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Dẫn câu chuyện vào trung tuần tháng 5 vừa qua, ITPC đã tiếp đoàn gồm 30 DN Hồng Kông (Trung Quốc) đến khảo sát thị trường, tìm hiểu môi trường đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ trong khu vực công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Lãnh đạo ITPC cho biết, hiện có gần 8.500 dự án của các DN từ 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trên địa bàn thành phố với tổng vốn trên 45 tỉ USD. 

Trong đó, Trung Quốc là nhà đầu tư đứng thứ 18 với tổng 272 dự án có vốn 175 triệu USD. Riêng khu vực Hồng Kông, đầu tư 508 dự án cùng số vốn là 2,5 tỉ USD. Ngoài ra, thành phố đang có 210 dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.

Do yêu cầu nghiêm ngặt của DN FDI nên phần lớn DN cung ứng công nghiệp hỗ trợ trong nước khó tham gia vào chuỗi cung ứng của DN FDI.

Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn, cùng với việc nhiều DN lớn đang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, cơ hội cho các DN trong nước để tham gia chuỗi sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng cao. 

Bởi các DN sản xuất FDI cũng rất muốn xây dựng chuỗi cung ứng tại địa phương để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn do phải nhập khẩu sản phẩm phụ trợ, sản phẩm lỗi do quá trình vận chuyển xa hoặc không đảm bảo yếu tố giao hàng đúng thời gian, làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất… nhưng khả năng đáp ứng của DN Việt Nam còn rất hạn chế. 

Chính vì vậy, mặc dù xuất khẩu của DN FDI khá cao, chiếm đến 70% lượng xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 nhưng phần lớn các DN FDI liên kết với nhà cung cấp nước ngoài. Đây là điều nghịch lý và cũng chính là khoảng trống của thị trường mà các DN cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ trong nước cần tập trung khai thác. 

Hiện có rất nhiều DN FDI đang tìm kiếm “nhà” cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ trong nước. Chỉ tính riêng Samsung đã công bố, cần khoảng 500 DN cung ứng từ nay đến năm 2020. 

“Áp dụng công nghệ kỹ thuật còn hạn chế, năng suất lao động thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, thiếu nguồn lao động kinh nghiệm và chất lượng cao, hạn chế về tài chính. Đó là những điểm yếu của DN nội địa khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Phạm Thiết Hòa nhận định. 

Hiện, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 1.200 DN cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhưng năng lực cung ứng của DN cũng rất hạn chế. DN chủ yếu cung ứng cấp 3 và 4 cho DN đầu cuối. 

Trong khi đó, nhiều DN cho rằng, khó khăn của các DNVVN Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đó là các DN FDI khi lựa chọn nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ luôn đưa ra các tiêu chí khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng, giá cả, giao hàng, môi trường, tài chính, công nghệ, trách nhiệm... nên rất ít DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đáp ứng được.

Tăng tính liên kết trong chuỗi cung ứng là một trong những giải pháp quan trọng cho bài toán phát triển công nghiệp bền vững, trong đó lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã và đang được Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện. 

Theo Sở Công Thương thành phố, với mục đích tạo thuận lợi nhất cho các DN sản xuất công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ, cũng như tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN, thành phố đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ cho DN với nhiều hình thức trong thời gian qua, như: Tổ chức kết nối trực tiếp giữa các DN công nghiệp hỗ trợ với các DN FDI, tổ chức nhiều hội thảo, hoạt động triển lãm chuyên ngành... 

Vấn đề còn lại là DN trong nước phải nỗ lực tìm cách tiếp cận và cung ứng nguyên liệu, thiết bị cho DN FDI. Đặc biệt, DN trong nước có quá nhiều điều kiện tốt để gia tăng xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu vì nhà đầu tư ngày càng nhiều, nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương. Vì vậy, DN cần chủ động để nắm bắt cơ hội.

Thúy Hà
.
.
.