DN nước ngoài lo ngại hàng giả, hàng nhái khi đầu tư vào Việt Nam

Chủ Nhật, 13/05/2018, 10:46
Ngày 10-5, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức Hội thảo "Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)". Hoạt động này nhằm triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Tiểu ban Hợp tác kinh tế, Ủy ban thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.


Một số doanh nghiệp (DN) nước ngoài cho rằng, với hơn 90 triệu dân Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng tiềm năng nên các DN có kế hoạch thâm nhập thị trường này. Thế nhưng, khi vào thị trường Việt Nam, DN nước ngoài đã vướng phải khó khăn vì nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan. Những sản phẩm giả các thương hiệu nước ngoài không chỉ ở kênh phân phối truyền thống mà còn “đánh” vào cả các kênh phân phối hiện đại… 

Ông Jeong Jong-yeon – đại diện Orion Group cho biết, công ty có 62 năm hoạt động với nhiều sản phẩm bánh ngọt nổi tiếng được người tiêu dùng (NTD) các nước ưa chuộng. Nhưng, tại thị trường Việt Nam, sản phẩm bánh Choco – Pie của công ty bị làm giả rất nhiều.

Bà Jae Heon-lee, Trung tâm Nghiên cứu SHTT Hàn Quốc (KISTA) cho rằng, hiện nay ngày càng nhiều DN Hàn Quốc, nhất là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) bị hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ một cách trắng trợn, tập trung chủ yếu là các ngành hàng mỹ phẩm, dược phẩm, hàng hóa tiêu dùng....

Ông Kwan Young-kim, Cục QLTT Hàn Quốc lo ngại: Rất nhiều người mua hàng nhái qua kênh bán lẻ hiện đại, kênh truyền thống và cả kênh thương mại điện tử. Nhưng điều rất lạ là khi hỏi thì họ đều khẳng định biết đây là hàng giả. Có lẽ vì chuộng hàng ngoại, nên có không ít NTD đã tiếp tay cho hàng giả làm tình trạng này phát tán trên diện rộng. 
Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ hàng giả, hàng nhái tại chợ Bến Thành ngày 10-5.

Theo các chuyên gia, hiện nay, hệ thống cơ sở pháp lý về SHTT ở Việt Nam bao gồm Luật SHTT, Bộ Luật dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự Luật Cạnh tranh… tuy nhiên, các chế tài xử lý vi phạm hành chính lại được Chính phủ quy định ở các văn bản dưới Luật, ở cấp Nghị định… Chính vì vậy, nhiều khi DN phát hiện sản phẩm của mình bị vi phạm SHTT hay bị làm giả, DN không biết gửi đến cơ quan nào để giải quyết.

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT nhấn mạnh "Thực thi quyền SHTT có ý nghĩa ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam luôn coi trọng việc bảo hộ, thực thi quyền SHTT và cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên công tác chống hàng giả, thực thi quyền SHTT vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp”.

Ngày 10-5, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh đồng loạt ra quân kiểm tra 20 cửa hàng kinh doanh đồng hồ, mắt kính, túi xách… tại chợ Bến Thành (quận 1). Qua kiểm tra, cả 20 cửa hàng đều bán hàng giả, không có hóa đơn chứng từ. Người bán khai nhận, các sản phẩm đồng hồ, mắt kính, túi xách… có xuất xứ Trung Quốc, họ “nhập” từ các đầu mối ở TP Hồ Chí Minh với giá sỉ vài chục nghìn đồng/sản phẩm. 

Lực lượng kiểm tra đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm đồng hồ, mắt kính, túi xách… giả các nhãn hiệu Rolex, Franck Muller, Patek Philippe, Piaget, Montblanc, Chanel, Longines, Dior, Hermes, H&M, Louis Vuitton... 

Ông Nguyễn Văn Bách – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết: “ Toàn bộ số hàng giả này sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và các chủ cửa hàng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo mức quy định. Cửa hàng nào tái phạm nhiều lần sẽ bị xử phạt theo tình tiết tăng nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh”.

T. Hà
.
.
.