Chuyện những cán bộ tín dụng cõng vốn vượt đại ngàn

Thứ Ba, 14/08/2018, 09:04
Đằng sau sự bao la của trời đất, mênh mông của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, những hộ gia đình dân tộc đồng bào anh em vẫn đang sống cuộc sống với tập tục cũ, lạc hậu và nhiều vất vả.

Đối với họ, một đồng vốn nhỏ cũng mang lại cơ hội đổi đời. Thấu hiểu và cảm thông, những cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vẫn ngày ngày vượt đại ngàn, mang vốn đến từng buôn làng xa xôi nhất.

Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Diễn Châu (Nghệ An) nhưng anh Cao Xuân Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Agriabnk huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã có 30 năm gắn bó với vùng đất đỏ Tây Nguyên, cũng là 30 năm anh làm cán bộ tín dụng của ngân hàng Nông nghiệp. Bàn chân anh đã đi qua hàng trăm con suối, ngọn đèo, đến từng buôn làng xa xôi, tận nơi ngã ba Đông Dương. 

Nhớ ngày đầu tiên đi làm cán bộ tín dụng, với sức trẻ tuổi đôi mươi, đôi chân dẻo dai và bầu máu nóng trên đầu, mọi khó khăn gian khổ đều nằm dưới từng dấu chân anh và các đồng nghiệp. 

Song, những ngày băng rừng, vạch lá, lội suối tìm đường lên bản của anh không là gì so với việc “đụng đầu vào đá” với những tập tục của người dân bản xứ. 

“Chắt chiu được từng đồng vốn huy động của người dân đã khó, nhưng cho vay vốn còn khó hơn. Lúc đó chúng tôi triển khai vay vốn qua tổ. Có tiền, đồng bào cũng mừng lắm, họ cẩn thận gói kín lại và… cất trên gác bếp. 

Thấy đồng vốn được trân trọng thế, chúng tôi cũng rất yên tâm. Thế nhưng đến kỳ thu lãi, tôi vô cùng bất ngờ khi họ lấy bọc tiền ám khói bếp đen xì xuống, cẩn thận mở ra, đếm tiền trả lãi rồi lại bọc kín tiếp tục cất lên gác bếp. Nghĩa là bọc tiền đó, không đầu tư cũng không tiêu dùng, không tăng không giảm, chỉ cất vậy thôi, và trả lãi khi được hỏi”, anh Quang kể. 

Thậm chí, có người được vay vốn xong, mang về chia đều cho người nhà, họ hàng. Khi đến kỳ trả nợ, cán bộ tín dụng phải đi tìm từng người để thu tiền. Quá bất ngờ vì cách sử dụng vốn vay, là cán bộ trẻ chưa có kinh nghiệm, anh Quang cũng rất bối rối. 

Sau nhiều ngày giải thích không được, anh đã cùng đồng nghiệp phải “xắn tay áo” 3 cùng với người dân: cùng ăn, cùng ở để hướng dẫn họ cách sử dụng đồng vốn. 

“Mới đó mà thấm thoát đã 30 năm kể từ những ngày khó khăn đó, Gia Lai đã và vẫn là thủ phủ kinh tế của cả Tây Nguyên, huyện Đức Cơ cũng như các hộ đồng bào dân tộc nơi đây đã có nhiều thay đổi, và chúng tôi tự hào vì có sự đóng góp của những đồng vốn nhỏ nhoi từ những ngày đầu đó”, anh Quang tâm sự.

Người dân giao dịch tại Ngân hàng Agribank Chư Ty - Gia Lai.

Không có công “khai đường mở lối” như anh Quang, chị Nhung sinh năm 1984, cán bộ tín dụng của Agribank chi nhánh Kon Tum đến với Tây Nguyên tiếp chân đồng nghiệp đưa vốn lên núi. 

Dù đã gần chục năm làm công việc của một cán bộ tín dụng, leo núi cả hàng chục cây số, hay việc xuống làng từ lúc gà chưa gáy, đến lúc trở về đã 1-2 giờ sáng là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng chị vẫn chưa thích ứng được. 

“Mỗi lần đi xe chênh vênh trên lưng núi hay “lội” xuống những vực sâu lầy lội đất đỏ, tôi vẫn say lên say xuống, và về là nằm vật cả mấy ngày trời, nhưng công việc vẫn khiến mình dẫn bước. Hơn nữa, nhìn những đồng vốn của mình mang đến đang giúp bà con dân tộc dần thay đổi cuộc sống giúp tôi luôn có động lực, và cả sự háo hức như thể luôn là chuyến đi đầu tiên. 

Có những huyện, xã, cho đến bây giờ vẫn chỉ có duy nhất một ngân hàng là Agribank. Mình không xuống, không biết bao giờ người dân mới có cơ hội tiếp cận vốn, để có cơ hội thay đổi cuộc sống”, chị Nhung tâm sự. 

Vì thế, dù là phận nữ nhi chân yếu tay mềm nhưng những chuyến đi mang vốn lên núi của chị và các đồng nghiệp vẫn đều đặn, bất kể những ngày nắng nóng rạc cả dãy Trường Sơn, hay mùa mưa với những cơn mưa rừng hung dữ, kéo dài cả tháng trời. 

“Làm việc với đồng bào dân tộc, mình phải hiểu tâm lý của họ. Đây là điều không dễ dàng gì. Ngay cả với chữ viết, cách phát âm đối với chúng tôi cũng là một thách thức. Khi đọc tên những người vay vốn, đọc 3-4 lần cũng không có ai lên nhận chỉ vì mình phát âm chưa chuẩn. Lúc đó, chúng tôi lại phải cầu cứu trưởng làng. Thế nhưng có những trưởng làng… mù chữ. Đổi lại, họ có trí nhớ tuyệt vời, chỉ cần nhìn danh sách mà chỉ được tên của từng người, chúng tôi cứ theo đó mà giải ngân thôi”, chị Nhung kể.

Còn với anh Nguyễn Dự - Giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lai, sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên - miền đất gian khó này là quê hương, là máu thịt của anh nên việc đưa vốn ngược ngàn để tìm cơ hội cho các hộ đồng bào dân tộc có tiền đầu tư sản xuất kinh doanh là trách nhiệm nhưng cũng là quyền lợi của một người con được đóng góp phần mình cho quê hương. 

Hiểu từng vùng đất, thương từng phận người, anh và các đồng nghiệp cần mẫn cùng người dân nơi đây gieo vốn vào nông nghiệp, bắt đầu bằng những sản phẩm đắng đót nhưng ngọt ngào như café, cay xè mà thơm ngon như hồ tiêu hay bền bỉ, dẻo dai như cao su… 

Chính các anh, những cán bộ tín dụng làm công việc không phải chỉ vì trách nhiệm, mà từ tình yêu với mảnh đất gian khó nhưng kiên cường này đang ngày ngày chung tay để đánh thức tiềm năng nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ…

Lệ Thúy
.
.
.